Viết trên tờ Thời báo châu Á ngày 11-8, nhà báo người Nhật Bản Kosuke Takahashi cho rằng việc Tổng thống Hàn Quốc thực hiện chuyến thăm bất ngờ tới quần đảo đang tranh chấp Dokdo/Takeshima bất chấp những lời cảnh báo từ phía Tokyo là mang ý đồ chính trị nội bộ. Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh người dân nước này đang chuẩn bị tổ chức lễ kỷ niệm ngày kết thúc ách chiếm đóng của phát xít Nhật năm 1945 là thời điểm khơi dậy tinh thần dân tộc và chủ nghĩa yêu nước khi mà cho đến nay Tokyo vẫn từ chối yêu cầu của Seoul đòi bồi thường cho các nạn nhân chiến tranh, trong đó có nô lệ tình dục và cưỡng bức lao động.
Chuyến đi này đồng thời diễn ra khi mà uy tín của chính quyền Seoul và cá nhân ông Lee bị sút giảm nghiêm trọng sau vụ xì-căng-đan tham nhũng liên quan đến người anh trai 76 tuổi Lee Sang-deuk và một số “thuộc hạ” gần gũi khác. Một cuộc thăm dò dư luận cho thấy tỷ lệ ủng hộ của cử tri xứ Kim chi dành cho tổng thống sắp mãn nhiệm đã giảm hơn 50% so với ngày đầu ông Lee nhậm chức. Theo giáo sư Hideshi Takessada thuộc Đại học Yonsei của Hàn Quốc, ông Lee đã trở thành vị tổng thống bị mất lòng tin nhanh nhất so với các đời tổng thống trước ở xứ Hàn. Vì thế, ông có lẽ cần sử dụng chính sách cứng rắn với Nhật Bản để làm giảm sự chỉ trích của các phe phái chính trị và lấy cảm tình các đối tượng cử tri trước cuộc bầu cử tổng thống vào cuối năm nay trong điều kiện đảng Thế giới Mới cầm quyền mất ưu thế. Hồi năm ngoái, chính quyền Lee cũng đã thông báo kế hoạch chi tiêu 354 triệu USD xây dựng một đê chắn sóng, một nhà máy điện, một trạm quan sát dưới đáy biển và một đường hầm ở quần đảo Dokdo từ năm 2013. Theo hãng tin Bloomberg của Mỹ, quần đảo có tổng diện tích 18,7 ha này nằm cách phần lãnh thổ gần nhất của Hàn Quốc khoảng 87 km về phía Đông và cách phần đất gần nhất của Nhật Bản 158 km. Chính phủ Hàn Quốc công khai cho biết khu vực quần đảo này có trữ lượng lớn về cá, khí đốt thiên nhiên và có thể có cả dầu mỏ.
Trên phương diện ngoại giao, theo giáo sư Takesada, Hàn Quốc thấy không cần thiết phải thỏa hiệp với Nhật Bản trong vấn đề Dokdo-Takeshama khi mà bản thân Tokyo đang chạm trán với cả Bắc Kinh và Mát-xcơ-va cũng vì tranh chấp biển đảo. Vả lại, mối quan hệ kinh tế giữa Hàn Quốc và Trung Quốc đang ngày phát triển thì Seoul muốn lợi dụng cơ hội này để duy trì mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh. Có điều, Mỹ có thể sẽ tìm cách hòa giải cho Hàn Quốc và Nhật Bản để hai quốc gia đồng minh chiến lược này của mình vẫn tiếp tục sát cánh trong kế hoạch thành lập một mặt trận chung chống sự bành trướng hải quân của Trung Quốc và tham vọng hạt nhân của CHDCND Triều Tiên.
Người ta đang chờ quyết định sắp tới của Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda là có nên tẩy chay cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức với Tổng thống Lee Myung-bak bên lề Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố Vladivostok của Nga dự kiến diễn ra vào ngày 8-9 hay không.
KIẾN HÒA (Theo Atimes, Bloomberg)