Bản dự thảo hiệp ước đầu tiên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về việc kiểm soát ngành thương mại vũ khí trị giá 60 tỉ USD của thế giới đang bị chỉ trích dữ dội vì các nhà phân tích cho rằng nó có quá nhiều lỗ hổng và khó có thể được thông qua.
Theo thống kê, cứ một phút lại có một người trên thế giới thiệt mạng vì bạo lực có vũ trang. Hằng ngày, các loại vũ khí bất hợp pháp vẫn được lén lút tuồn vào các khu vực đang xảy ra bất ổn, từ đó thúc đẩy bạo lực và châm ngòi cho chiến tranh. Tình trạng bạo lực leo thang tại Syrie và các quốc gia khác gần đây khiến thế giới nhận thấy cần phải có một hiệp ước quốc tế về vũ khí.
Tuy nhiên, những cuộc đàm phán kéo dài tại thành phố New York (Mỹ) vẫn đang ở trong thế bế tắc. Cuộc đàm phán đã để mất đi một tuần đầu cho những tranh cãi xung quanh sự có mặt của đại diện Palestine. Hiện các nước chỉ còn 2 ngày nữa để nghiên cứu, thảo luận về bản dự thảo hiệp ước dang dở trước khi tính đến giải pháp bỏ phiếu thông qua. Theo quy tắc, dự thảo hiệp ước chỉ được thông qua khi có sự thống nhất của tất cả các đoàn đàm phán. Vì thế, sự phủ quyết của một nước cũng có thể khiến cuộc đàm phán thất bại.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, vấn đề hiện tại là bản dự thảo trên có quá nhiều khe hở. “Điều chúng tôi lo lắng đối với dự thảo này là nó có quá nhiều lỗ hổng” Anna Macdonald, chuyên gia về kiểm soát vũ khí, cho biết.
Các nhà phân tích cho rằng nếu dự thảo hiệp ước không được thông qua, các nước ủng hộ dự thảo này có thể mang nó đến Đại hội đồng LHQ và mong đợi có được 2/3 số phiếu ủng hộ. Tuy nhiên, ông Brian Wood nhà quản lý về kiểm soát vũ khí và nhân quyền tại Tổ chức Ân xá Quốc tế cho rằng bản dự thảo được mang đến Đại hội đồng LHQ phải là bản dự thảo chỉnh chu chứ không có quá nhiều khe hở như thế này.
“Mỗi vấn đề trong dự thảo đều có chỗ sơ hở” ông Peter Herby, giám đốc Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế, khẳng định.
Theo các nhà phân tích, danh mục vũ khí được đề cập đến trong bản dự thảo vẫn còn thiếu sót, chưa đề cập các loại đạn dược. Song song đó, những quy định về việc thẩm định rủi ro mà các nước cần thực hiện trước khi cấp phép cho việc buôn bán vũ khí cũng cần được siết chặt. Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng hiệp ước phải bao gồm cả ngành thương mại vũ khí toàn cầu chứ không chỉ những vụ buôn bán vũ khí bất hợp pháp. Bên cạnh đó, giới phân tích cũng cho rằng khi đề cập đến đối tượng môi giới vũ khí, bản dự thảo cho thấy nhiều yếu kém và dường như đang tạo thuận lợi cho việc kinh doanh của đối tượng này.
Ông Herby cho rằng có nguy cơ hiệp ước lần này chẳng những không khống chế được nạn buôn bán vũ khí trái phép tại các nước mà còn vô tình khiến ngành kinh doanh này phát triển. Nói cách khác, nếu những sơ hở trong bản dự thảo không được khắc phục, các nước sẽ không thể đi đến một hiệp ước có khả năng kiểm soát vũ khí và giảm tỷ lệ thương vong vì bạo lực có vũ trang.
TRIẾT VĂN (Theo Reuters)