06/05/2012 - 20:11

Một đối tác không dễ bảo

Tiếp theo chuyến công du Trung Quốc và Bangladesh, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua đã bắt đầu sang thăm Ấn Độ 3 ngày. Một trong những mục tiêu quan trọng nhất của bà Clinton là thuyết phục New Delhi thực thi lệnh cấm vận dầu mỏ và thương mại chống Iran của Mỹ.

Thế nhưng, điều “trớ trêu” ngoại giao đã xảy ra khi chuyến đi của cựu đệ nhất phu nhân Nhà Trắng lại trùng với phái đoàn thương mại hùng hậu của Iran được mời sang thăm Ấn Độ tìm cơ hội hợp tác làm ăn trong 6 ngày. Do lo ngại bị giới ngoại giao Mỹ xem đây là hành động “nắn gân” có chủ ý của nước chủ nhà, Liên đoàn các tổ chức xuất khẩu trực thuộc Bộ Thương mại Ấn Độ thanh minh rằng thời điểm đến của bà Clinton là “ngẫu nhiên’, trong khi phái đoàn 56 thành viên từ Iran đã có kế hoạch từ lâu sau chuyến đi của phái đoàn thương mại Ấn Độ tới Iran 5 ngày diễn ra hồi tháng 3.

Mà dù có bị bà Clinton “trách cứ” đi nữa thì việc Ấn Độ tăng cường quan hệ thương mại với Iran vẫn là chủ trương nhất quán của chính quyền New Delhi. Hãng tin Pháp AFP dẫn các nhà phân tích cho rằng Ấn Độ, một trong những quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống lớn nhất thế giới, không dễ gì gia nhập vào liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu áp đặt lệnh trừng phạt chống lại nước cộng hòa Hồi giáo này, vì nếu trái lại sẽ có thể gây ra những bất ổn chính trị tại nước mình.

Kim ngạch thương mại song phương giữa Ấn Độ và Iran đạt khoảng 13,7 tỉ USD năm 2011, trong đó Ấn Độ nhập khẩu dầu mỏ trị giá 11 tỉ USD, còn Iran nhập khẩu 2,7 tỉ USD hàng hóa. Ấn Độ vì thế mong muốn thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Iran nhằm thu hẹp khoảng cách thâm hụt thương mại giữa hai nước. Một Iran đang bị phương Tây bao vây kinh tế gây ra cảnh khan hiếm hàng hóa và giá cả đắt đỏ là cơ hội để các doanh nghiệp Ấn Độ thâm nhập và khai thác thị trường có tổng kim ngạch nhập khẩu gần 60 tỉ USD này. Nền kinh tế của Iran lớn hàng thứ 17 thế giới tính theo sức mua ngang giá, có tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 930 tỉ USD, có nguồn thu nhập hàng năm gần 111 tỉ USD và đang có mức dự trữ ngoại hối 110 tỉ USD.

Ấn Độ và Iran có cơ chế thanh toán bằng đồng rupee chiếm khoảng 45% trong giao dịch dầu mỏ, điều này đang giúp New Delhi “né” được lệnh trừng phạt của Mỹ. Các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ chỉ mới cắt giảm từ 15-20% lượng dầu thô nhập khẩu từ Iran, nơi cung cấp dầu lớn thứ hai, sau Arabie Séoudite, của Ấn Độ. Và chính quyền New Delhi đang hy vọng chờ đợi Mỹ điền thêm tên mình vào danh sách các quốc gia mới được “miễn” thực thi có thời hạn lệnh cấm vận dầu mỏ chống Iran như họ đã dành cho đồng minh Nhật Bản và 10 nước châu Âu khác đang đối mặt khủng hoảng tài chính.

Một nền kinh tế khát năng lượng đang trên đà trỗi dậy thành cường quốc tế như Ấn Độ khó có thể thiếu dầu từ Iran và quyết tâm giữ nguồn cung ứng này. Washington đang lôi kéo đối tác chiến lược Ấn Độ vào trục an ninh châu Á làm giảm sự lớn mạnh đáng ngại của Trung Quốc thì chắc phải tôn trọng “ý nguyện” chính đáng của New Delhi.

KIẾN HÒA (Theo Reuters, AFP, Hindustan Times)

KIẾN HÒA (Theo Reuters, AFP, Hindustan Times)

Chia sẻ bài viết