09/06/2012 - 08:09

Một châu Âu nhiều tốc độ

Phát biểu trong một cuộc họp báo ngắn tại Thủ đô Berlin sau cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Anh David Cameron, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thừa nhận rằng hiệp ước tài chính siết chặt chi tiêu ngân sách trong Liên minh châu Âu (EU) vốn đang được các nước thành viên phê chuẩn sẽ không đủ giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công kéo dài hơn hai năm qua và có nguy cơ tiếp tục lan rộng ở Khu vực đồng euro (Eurozone). Tuy cho rằng “siết chặt ngân sách và tăng trưởng kinh tế là hai mặt của một đồng tiền”, nhưng bà Merkel tuyên bố nước Đức và 16 quốc gia thành viên Eurozone khác sẵn sàng sử dụng tất cả các công cụ đã được thiết lập để giúp bình ổn khu vực nếu xét thấy cần thiết. Vị Thủ tướng được mệnh danh là “bà đầm thép” của nước Đức đề cập đến Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) trị giá 440 tỉ euro đang hỗ trợ cho Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha cũng như Quỹ cơ chế ổn định châu Âu (ESM) trị giá 500 tỉ euro sẽ có hiệu lực vào tháng 7 tới.

Nhưng việc hỗ trợ tài chính đi kèm với thắt chặt chi tiêu, vốn là vấn đề đã gây tranh cãi và phản ứng dữ dội trong dư luận Eurozone, đòi hỏi tính kỷ luật nghiêm ngặt. Vì thế, bà Merkel nhấn mạnh châu Âu không chỉ cần một liên minh tiền tệ đơn thuần, mà còn một liên minh tài khóa (ngân sách) chung hài hòa hơn và trên hết là một liên minh chính trị buộc các nước thành viên từng bước từ bỏ thẩm quyền quốc gia riêng. Một liên minh chính trị, theo bà Merkel, nghĩa là trao quyền kiểm soát cho một cơ quan duy nhất của EU, điều mà bà tin rằng sẽ có một số nước không dễ chấp nhận, buộc bà phải ủng hộ ý tưởng cho đến nay còn “cấm kỵ” về một châu Âu hai, hay thậm chí nhiều tốc độ. Cái gọi là “tốc độ” ám chỉ các nước thành viên EU có thể tạm thời không tham gia hoặc áp dụng các thỏa thuận chung, như hiệp ước Schengen về việc bãi bỏ kiểm soát biên giới, hiệp ước tài chính không có Anh ký kết, Eurozone không có Anh và Đan Mạch...

Một hiệp ước tài chính thắt chặt chi tiêu vốn đã gây chia rẽ sâu sắc trong EU thì các hiệp ước liên minh tài khóa, liên minh chính trị có lẽ sẽ còn rắc rối, phân hóa quyền lực nhóm và căng thẳng hơn nhiều. Một liên minh châu Âu có quá nhiều liên minh “tự nguyện” như vậy thì khó coi là “mái nhà chung” rồi!

ĐỨC TRUNG (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết