17/10/2019 - 09:25

Mỗi năm thế giới lãng phí 1,3 tỉ tấn lương thực 

Nhân Ngày Lương thực Thế giới 16-10, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc (FAO) đã công bố một báo cáo gây sốc về tình trạng lãng phí thức ăn trên toàn cầu. Song song đó, Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) cũng phát động chiến dịch “Ngăn chặn lãng phí” nhằm nâng cao nhận thức về vấn đề này.

Rau củ bị vứt bỏ trong thùng rác. Ảnh: eco-business

Liên Hiệp Quốc hồi tháng 7 cho biết hiện nay có hơn 820 triệu người đang chịu cảnh đói, tăng 9 triệu so với năm ngoái. Đây là năm thứ ba liên tiếp số người đói trên thế giới gia tăng. Trong báo cáo “Tình trạng Nông Lương 2019” vừa công bố, FAO đề cập đến một sự thật phũ phàng là trong khi hàng trăm triệu người thiếu ăn, thì thế giới lại đang lãng phí lượng thực phẩm trị giá đến 1.000 tỉ USD. Mỗi năm có xấp xỉ 1/3 lượng lương thực (tương đương 1,3 tỉ tấn) được tạo ra trên thế giới cho con người tiêu thụ đã bị thất thoát hoặc vứt bỏ. Không bất ngờ khi 2/3 trong số này bắt nguồn từ những quốc gia công nghiệp hóa mà người dân tại đây không thiếu ăn.

Từ thời điểm nông sản được thu hoạch cho đến lúc lên kệ siêu thị, 14% tổng số thực phẩm được tạo ra đi thẳng vào thùng rác. Khoảng 60% trong tổng số vi chất dinh dưỡng cũng đã mất đi do lãng phí trái cây, rau củ và các sản phẩm chế biến từ động vật ở nhiều cấp độ sau thu hoạch. Số vi chất dinh dưỡng này sẽ được giữ lại nếu xây thêm các cơ sở hạ tầng hoặc ứng dụng công nghệ mới trong bảo quản và vận chuyển thực phẩm đến thị trường.

Tính riêng ở Mỹ, người tiêu dùng, doanh nghiệp và nông trại chi đến 218 tỉ USD vào số thực phẩm không bao giờ xuất hiện trên bàn ăn. Ước tính, các bãi rác tiếp nhận 52 triệu tấn thực phẩm lãng phí, trong khi 10 triệu tấn khác bị tiêu hủy hoặc bỏ lại ngoài đồng. Cả Tiểu vùng Sahara châu Phi sản xuất khoảng 230 triệu tấn lương thực, tương đương với số thực phẩm bị lãng phí hàng năm ở những nước phát triển.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến tình trạng lãng phí thức ăn tại mỗi vùng, trong đó những nước giàu hoang phí vì tính toán kém của người tiêu dùng hoặc kế hoạch bán lẻ không hợp lý (thối rữa trên kệ hàng). Còn những nước nghèo hơn thất thoát lương thực do tình trạng biến đổi khí hậu và điều kiện vận chuyển nông sản còn yếu kém.

Qua đó, FAO kêu gọi mọi người nên áp dụng chế độ ăn lành mạnh vì một thế giới không đói khát. Chuyển sang chế độ ăn lành mạnh hơn bằng cách dùng trái cây và rau củ theo mùa, đồng thời giảm tiêu thụ thức ăn vặt có thể giúp đạt được mục tiêu “không người đói” vào năm 2030 như Mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc.

Theo FAO, hiện có hơn 30.000 loài thực vật có thể ăn được mà con người biết đến, nhưng trong đó chỉ 200 loài được canh tác ở mức độ nông trại. 50% lượng calorie con người hấp thu hiện đến từ 8 loại nông sản chính, bao gồm lúa mì, bắp, gạo, lúa mạch, đậu, khoai tây…

Ở mức độ nông trại, các nông sản bản xứ theo mùa cần được trồng để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng. Ấn Độ đang thực hiện chiến lược này khi hạt kê đã trở thành siêu thực phẩm và được dùng để chống lại bất ổn lương thực. Giảm bớt lãng phí lương thực cũng có thể là vũ khí ngăn chặn bất ổn lương thực.

HẠNH NGUYÊN (Theo safehaven, downtoearth)

Chia sẻ bài viết