Những ngày này, Mỹ và chính quyền chuyển tiếp Libye đang bắt tay điều tra các tập đoàn dầu khí nước ngoài hoạt động tại Libye xung quanh mối quan hệ trong quá khứ với nhà lãnh đạo bị lật đổ Muammar Gadhafi. Sau một thời gian rút lui vì nội chiến, trong lần trở lại này, các tập đoàn châu Âu nhận ra “miếng bánh vàng đen” tại quốc gia Bắc Phi đã không còn “ngon ăn” do có thêm kẻ muốn chia phần.
Trả lời trước báo giới, ông Abdelmajeed Saad phó Trưởng Văn phòng công tố Libye thừa nhận cơ quan này đang điều tra “các công ty dầu khí Libye và nước ngoài” xung quanh những “sai sót về tài chính”. Trong một bức thư có từ tháng 3 năm nay, Văn phòng công tố đã mở lời yêu cầu Công ty Dầu khí Quốc gia Libye (NOC) cung cấp một số tài liệu cần thiết. Trong bức thư, Văn phòng công tố ngỏ ý muốn có giấy tờ về những thương vụ giữa NOC và các tập đoàn dầu khí nước ngoài. Trong số những “gã khổng lồ” mà cơ quan này “bóng gió”muốn “sờ” tới có Tập đoàn Eni của Ý, Total của Pháp, Vitol của Hà Lan... Mặc dù vậy, bản thân ông Saad và Văn phòng Công tố đều không giải thích được các công ty trên bị điều tra vì lẽ gì.
Về phần mình, đại diện của NOC, ông Ahmed Shawki, cũng xác nhận chuyện bị điều tra và cho biết đã nộp hết những tài liệu được yêu cầu. Song, cả ông lẫn chủ tịch NOC đều lắc đầu không bình luận vụ việc.
Việc chính quyền chuyển tiếp Libye điều tra các công ty dầu khí được cho là tiếp nối chuyện Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) chất vấn tập đoàn Eni và Total về chuyện làm ăn của các công ty này tại Libye. Marathon tập đoàn dầu khí Mỹ đang hoạt động tại Libye cũng được yêu cầu trưng ra những tài liệu kinh doanh tại đây. Trước những đề nghị này, Eni phản ứng bằng cách tố hoạt động điều tra của Mỹ, cho rằng những hoạt động này xúc tiến được là nhờ “những khoản tiền mù mờ dành cho các quan chức Libye”. Theo Eni, điều này hoàn toàn đi ngược với khẩu hiệu chống tham nhũng và hối lộ của xứ cờ hoa. Các tập đoàn khác là Total, Glencore, Marathon và Vitol đều tiết lộ họ cũng “cùng cảnh ngộ” nhưng từ chối bình luận.
Chính quyền mới của Libye, vốn đang chờ đợi cuộc bầu cử đầu tiên diễn ra vào tháng 6, bị thúc ép phải làm sáng tỏ những hợp đồng dầu khí dưới thời Gadhafi, để coi “có tham nhũng hay không”. Ông Saad tuyên bố nếu phát hiện những sai phạm, “số tiền phạt dành cho kẻ hối lộ ít nhất cũng phải gấp đôi số tiền “đút tay” cho chính quyền Libye”.
Trước mắt, những áp lực này cho thấy sẽ làm rối rắm thêm cơ hội kinh doanh trong tương lai cho các công ty dầu khí quốc tế tại Libye một trong số ít quốc gia tại Bắc Phi còn mở cửa với nước ngoài trong bối cảnh nhiều nước láng giềng hoặc là nói không hoặc là bị trừng phạt bởi phương Tây.
TRIẾT VĂN (Theo Wallstreet Journal)