16/07/2016 - 08:32

MDEC – HẬU GIANG 2016: Thành công, hiệu quả thiết thực

Chiều 15-7, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC – Hậu Giang 2016 để đúc kết hoạt động các chuỗi sự kiện của diễn đàn và thông qua dự thảo tuyên bố chung của lãnh đạo các địa phương.

KẾT NỐI ĐBSCL

MDEC – Hậu Giang 2016 với chủ đề: "ĐBSCL- Chủ động hội nhập và phát triển bền vững" diễn ra trong 5 ngày, từ 11 đến 15-7-2016. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo MDEC, qua 9 lần tổ chức, diễn đàn đã tạo dựng được uy tín và hình ảnh riêng cho vùng ĐBSCL, nội dung của MDEC ngày càng phong phú, xác hợp với các vấn đề đặt ra của vùng. Đồng thời diễn đàn cũng tập hợp được nhiều sáng kiến, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh, xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội cho vùng ĐBSCL, đặc biệt là đối với các địa phương đăng cai tổ chức MDEC. Thông qua Diễn đàn, các địa phương trong vùng đã nhận thấy rõ hiệu quả của hợp tác, liên kết thu hút đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch. Đồng thời, nêu quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào vùng.

Ban Chỉ đạo tuyên dương những đơn vị có đóng góp tích cực cho MDEC – Hậu Giang 2016.

Các sự kiện chính của MDEC – Hậu Giang 2016 gồm: Hội thảo phát triển du lịch ĐBSCL; Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang; Hội chợ công thương khu vực ĐBSCL năm 2016; Hội nghị "ĐBSCL-Chủ động hội nhập và phát triển bền vững"; Hội nghị sơ kết công tác bình ổn thị trường 6 tháng đầu năm 2016 giữa các tỉnh, thành ĐBSCL và TP Hồ Chi Minh. Hội thảo "Hoạt động tín dụng ngân hàng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL"; Diễn đàn doanh nghiệp vùng ĐBSCL năm 2016; Hội thảo các giải pháp kiểm soát mặn, trữ ngọt phục vụ sản xuất và dân sinh vùng ĐBSCL; Hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 445/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020". Hội thảo "Hỗ trợ và thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ cao cho doanh nghiệp theo chuỗi giá trị"; Hội thảo đối thoại chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất, tiếp cận, tín dụng ngành hàng lúa gạo, xây dựng cánh đồng lớn... đã tạo diễn đàn để các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp nêu lên những điểm "nghẽn" mà ĐBSCL đang gặp phải; đồng thời mạnh dạn đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù cho sự phát triển bền vững của ĐBSCL trong tương lai.

Kết thúc MDEC – Hậu Giang 2016, về cơ bản, Ban Tổ chức đánh giá diễn đàn thành công, hiệu quả thiết thực. Các hoạt động của MDEC lần này với nội dung các hội thảo, hội nghị đã đặt ra những vấn đề nóng, bức xúc của vùng ĐBSCL và được các cấp, các ngành, các đơn vị, tổ chức quan tâm nên thu hút đại biểu tham dự nhiều hơn so với dự kiến. Tại diễn đàn còn tổ chức được một số cuộc gặp gỡ, xúc tiến đầu tư, trao đổi, hợp tác ký kết hợp đồng tín dụng... Về Chương trình an sinh xã hội năm 2016, các đơn vị, doanh nghiệp trong cả nước đã đóng góp cho an sinh xã hội vùng ĐBSCL 927 tỉ đồng. Trong đó, các tỉnh, thành ĐBSCL vận động được 638 tỉ đồng; TP Hà Nội hỗ trợ 19 tỉ đồng; TP Hồ Chí Minh hỗ trợ 13 tỉ đồng; ngành ngân hàng hỗ trợ 257 tỉ đồng xây dựng 7 trường học, 3 trạm y tế, 2.046 căn nhà tình nghĩa và nhiều chương trình khác như: học bổng, thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, khắc phục hậu quả thiên tai.

QUYẾT TÂM VƯƠN TỚI

Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo MDEC đã thông qua dự thảo Tuyên bố chung MDEC – Hậu Giang 2016. Theo đó, cam kết của các thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn là: Thống nhất tập trung nguồn lực thực hiện Quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 (tại Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6-4-2016 của Thủ tướng Chính phủ). Trong đó, tập trung xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ công tác thực hiện quyết định này; đề xuất Chính phủ bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, các công trình, dự án phòng chống biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn; thực hiện liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực là lúa gạo, thủy sản và trái cây vùng ĐBSCL. Đồng thời, tăng cường hợp tác nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết vùng, quy mô lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao để nâng chất lượng và giá trị sản phẩm. Củng cố thị trường truyền thống, tiếp cận và mở rộng các thị trường tiềm năng; bám sát các chương trình hợp tác giữa Việt Nam và các nước, trong đó có nội dung liên quan đến ĐBSCL. Tổ chức các chương trình hợp tác, liên kết, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch, giúp ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững. Tổ chức sơ kết hợp tác toàn diện giữa các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh vào năm 2017; sơ kết 1 năm hợp tác về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch với UBND TP Hà Nội; sơ kết các nhiệm vụ đã cam kết thực hiện của các bộ, ngành Trung ương…

Có thể thấy rằng, khi Tuyên bố chung MDEC – Hậu Giang 2016 được chính thức thông qua và được các địa phương triển khai thực hiện sẽ là cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế cho vùng ĐBSCL. Ông Sơn Minh Thắng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, nhấn mạnh: "Để tiếp tục tổ chức tốt Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL vào những năm tiếp theo, Ban Thư ký phải tổng hợp, ghi nhận đầy đủ các ý kiến đóng góp, kiến nghị của các đại biểu, hoàn chỉnh Tuyên bố chung, để báo cáo Thủ tướng Chinh phủ, các cơ quan Trung ương". Ông Thắng cũng đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo Diễn đàn hỗ trợ các địa phương ĐBSCL tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa của vùng. Bộ NN&PTNT hỗ trợ các địa phương nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với điều kiện xâm nhập mặn; xây dựng thương hiệu hàng hóa nông sản, quảng bá các sản phẩm nông sản và xây dựng thành công mô hình hợp tác xã thí điểm vùng ĐBSCL. Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ triển khai tốt Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL giai đoạn 2016-2020; hỗ trợ các tỉnh, thành trong việc ký kết hợp tác, mang lại lợi ích cho đôi bên. Các địa phương trong vùng rà soát, ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho doanh nghiệp; tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thực hiện tốt cải cách hành chính... Ban Chỉ đạo MDEC cũng quyết định trao quyền đăng cai tổ chức MDEC năm 2018 cho tỉnh Bạc Liêu.

Hy vọng rằng, với quyết tâm vươn tới của các địa phương, ĐBSCL sẽ phát triển mạnh hơn.

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết