08/02/2021 - 08:58

Manh nha “NATO châu Á”! 

Mỹ vừa đề xuất tổ chức một cuộc họp trực tuyến của các nhà lãnh đạo nhóm Bộ Tứ, gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Đây được xem là nỗ lực nhằm củng cố và mở rộng liên minh để tiến tới hình thành “NATO châu Á” với mục tiêu kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Các ngoại trưởng nhóm QUAD họp tại Tokyo, tháng 10-2020. Ảnh: AFP

Các ngoại trưởng nhóm QUAD họp tại Tokyo, tháng 10-2020. Ảnh: AFP

Trong cuộc họp dự kiến này, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về việc hợp tác để hiện thực hóa một khu vực “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Đề nghị được đưa ra trong bối cảnh chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn củng cố quan hệ giữa 4 nước lớn trong khu vực, mà theo cách nói của Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan là “nền tảng để Mỹ xây dựng chính sách bền vững ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”.

Được biết đến với tên gọi chính thức là Đối thoại an ninh bốn bên, nhóm QUAD, hình thành vào năm 2004, là khuôn khổ hợp tác giữa Mỹ, Nhật, Úc, Ấn nhằm hỗ trợ các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sau thảm họa sóng thần. Tới năm 2017, hoạt động của nhóm bắt đầu vượt ra khỏi hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thảm họa. Gần đây, Washington tuyên bố trọng tâm của nhóm Bộ Tứ là tập trung vào nỗ lực thúc đẩy “một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do, rộng mở và hòa nhập”.

Với nhận thức như vậy, 4 nước đã tổ chức hội nghị ngoại trưởng lần đầu tiên vào năm 2019. Tại hội nghị ngoại trưởng lần thứ hai diễn ra tại Tokyo tháng 10 năm ngoái, các nước đã cam kết tiếp tục mở rộng hợp tác để thực hiện tầm nhìn Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở dựa trên pháp trị.

Điều đáng chú ý là cả 4 thành viên nhóm Bộ Tứ đều đang căng thẳng với Trung Quốc, từ tranh chấp lãnh thổ tới thương mại. Ngoài Mỹ, Nhật cũng đang tích cực đẩy mạnh chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà trong đó Đông Nam Á được xem là “trái tim” của chiến lược này. Đó cũng là lý do Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị  đã công du  một loạt 5 quốc gia Đông Nam Á gồm Campuchia, Malaysia, Singapore, Lào và Thái Lan hồi tháng 10 năm ngoái. Chuyến đi của ông Vương diễn ra một tuần sau khi các ngoại trưởng nhóm Bộ Tứ họp tại Nhật.

Phát biểu tại Malaysia, Ngoại trưởng Vương Nghị cảnh báo sáng kiến trên sẽ phá hoại nghiêm trọng an ninh khu vực. “Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là một nguy cơ an ninh lớn tiềm ẩn. Nếu được xúc tiến, nó không chỉ quay ngược dòng lịch sử mà còn đánh dấu sự bắt đầu của hiểm nguy”, ông Vương nhấn mạnh.

Về phần mình, Tổng thống Mỹ Biden mới đây đề xuất tăng số lượng thành viên nhóm Bộ Tứ để đối phó Trung Quốc một cách hiệu quả. Vài cái tên đã được đề cập như Hàn Quốc, New Zealand…

Trước mắt, Anh đã đánh tiếng sẵn sàng gia nhập “NATO châu Á”, mà hành động cụ thể là sẽ  điều hàng không mẫu hạm tối tân HMS Queen Elizabeth đến khu vực Thái Bình Dương, bao gồm đi qua Biển Đông, trong sứ mệnh đầu tiên của con tàu này. Dự kiến, nhóm tác chiến tàu sân bay Anh cũng sẽ tập trận cùng quân đội Mỹ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản gần quần đảo Ryukyu của Nhật mà Bắc Kinh đang “dòm ngó”.

Chưa hết, Luân Đôn còn đề xuất mở rộng Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) gồm Mỹ, Nhật, Anh, Canada, Pháp, Đức và Ý thành D10 để kết nạp thêm Úc, Ấn Độ và Hàn Quốc.

QUỐC KHÁNH (TTXVN, SCMP)

Chia sẻ bài viết