05/07/2020 - 07:30

Lý giải căng thẳng ảnh hưởng phản ứng viêm của cơ thể 

Phản ứng của hệ miễn dịch khi chúng ta rơi vào trạng thái căng thẳng (stress) có thể làm nặng hơn tình trạng viêm của cơ thể. Theo phát hiện mới của Ðại học Yale (Mỹ), nguyên nhân bắt nguồn từ tế bào miễn dịch đặc biệt do tế bào mỡ nâu tiết ra.

Căng thẳng kích hoạt phản ứng có hại của hệ miễn dịch, làm xấu thêm tình trạng viêm. Ảnh: Stock.adobe

Khi bị stress, cơ thể chúng ta phản ứng bằng cách giải phóng hoóc-môn cortisol và adrenaline. Ðiều khiến khoa học khó lý giải là hai nội tiết tố trên có chức năng ức chế hệ miễn dịch giúp giảm viêm, nhưng thực tế cho thấy trạng thái căng thẳng khiến tình trạng viêm tồi tệ hơn ở người mắc vấn đề về sức khỏe như tiểu đường, các bệnh tự miễn cũng như trầm cảm, lo lắng.

Ði sâu tìm hiểu, Tiến sĩ Andrew Wang và các cộng sự bắt đầu nghiên cứu vai trò của tế bào miễn dịch cytokine interleukin-6 (IL-6) đối với stress sau khi quan sát thấy nồng độ cytokine tăng cao trong máu chuột bị căng thẳng. Trong loạt thí nghiệm sau đó, nhóm nghiên cứu phát hiện IL-6 được tế bào mỡ nâu giải phóng khi chuột bị stress. Cơ chế miễn dịch này làm xấu đi các phản ứng viêm. Họ còn ghi nhận khi tín hiệu giữa não và tế bào mỡ nâu bị chặn lại, tình trạng viêm giảm hẳn và con vật thí nghiệm bớt kích động hơn dù bị đặt trong môi trường căng thẳng.

Theo các nhà khoa học, phản ứng của tế bào mỡ nâu làm tăng nồng độ IL-6 sau khi cơ thể giải phóng cortisol và adrenaline. Ðiều này giải thích tại sao căng thẳng lại kích thích chứng viêm ngay cả khi các hoóc-môn ức chế miễn dịch và chống viêm này được tiết ra.

Các nghiên cứu sơ bộ cho thấy IL-6 liên quan đến các bệnh tự miễn, ung thư, béo phì, tiểu đường, trầm cảm và lo lắng. Thuốc ức chế IL-6 đã được dùng trong điều trị bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp và phần nào giảm bớt trầm cảm. Với phát hiện mới, các nhà nghiên cứu hy vọng có thể cải tiến việc điều trị những hội chứng rối loạn sức khỏe tâm thần khác.

ĐƯỜNG THẤT (Theo Yale University)

Chia sẻ bài viết