Sau những động thái đe dọa quân sự của Tổng thống Donald Trump, các quan chức Mỹ và Iran cuối tuần qua đã có cuộc đàm phán gián tiếp tại thủ đô Muscat của Oman trong nỗ lực tìm kiếm một thỏa thuận mới về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Năng lực làm giàu uranium của Iran
Hôm 12-4, Nhà Trắng thông báo rằng các cuộc thảo luận “tích cực và mang tính xây dựng”, song cũng lưu ý rằng nhiều vấn đề liên quan “rất phức tạp”. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Mỹ và Iran liên quan chương trình hạt nhân của Tehran kể từ khi ông Donald Trump trở lại Nhà Trắng. Vòng đàm phán tiếp theo giữa hai nước sẽ diễn ra tại Rome, Ý vào ngày 19-4.

Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi (giữa) trao đổi với các thành viên trong phái đoàn của Tehran tại Muscat, Oman ngày 12-4. Ảnh: Reuters
Hồi năm 2015 khi Mỹ dưới thời Tổng thống Barack Obama, nước này cùng các cường quốc khác và Iran đã ký thỏa thuận hạt nhân, chính thức có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân. Theo thỏa thuận, Iran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân bằng cách giảm 98% kho dự trữ uranium đã làm giàu, giảm 2/3 số máy ly tâm uranium và cho phép Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) thanh sát thường xuyên. Đổi lại, các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Iran được dỡ bỏ và cho phép Cộng hòa Hồi giáo tiếp cận các thị trường toàn cầu.
Tuy nhiên, chê JCPOA 2015 là “thỏa thuận tệ nhất từ trước đến nay”, Tổng thống Donald Trump vào năm 2018 đã rút Mỹ khỏi văn kiện và tái áp đặt các lệnh trừng phạt khắc nghiệt.
Đáp lại, Iran vi phạm một số điều khoản quan trọng của thỏa thuận, bao gồm thiết lập hàng ngàn máy ly tâm tiên tiến (làm giàu uranium). Để chế tạo vũ khí hạt nhân, uranium cần được làm giàu đến độ tinh khiết 90%. Theo JCPOA, Iran chỉ được phép giữ tối đa 300kg uranium được làm giàu đến 3,67%, mức phù hợp cho các mục đích sử dụng hòa bình như năng lượng và nghiên cứu.
Hồi tháng rồi, IAEA phát hiện Iran đã có khoảng 275kg uranium được làm giàu đến 60%. Nếu làm giàu thêm, lượng uranium này có thể đủ để chế tạo khoảng 6 vũ khí hạt nhân. Giới chức Mỹ tin rằng Iran có thể sản xuất đủ vật liệu cho 1 quả bom trong khoảng 1 tuần, nhưng trên thực tế chế tạo một vũ khí khả dụng có thể mất từ 1 năm đến 1 năm rưỡi.
Iran khẳng định không tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân, nhưng nhiều quốc gia và IAEA không tin điều này.
Mục tiêu mới của Mỹ
Tương lai JCPOA 2015 đang bị đe dọa, đặc biệt là khi những hạn chế nghiêm ngặt nhất của văn kiện sắp hết hạn. Tổng thống Trump đã đặt ra thời hạn là giữa tháng 5-2025 để đạt được tiến triển, nhưng cũng có một thời hạn dài hơn là giữa tháng 8, thời điểm thỏa thuận JCPOA 2015 về cơ bản sẽ hết hạn.
Nếu thỏa thuận sụp đổ hoàn toàn, Iran có thể tiến gần hơn đến việc phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt, làm dấy lên nỗi lo về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân ở Trung Đông. Điều này đặt ra mối đe dọa trực tiếp đối với Israel và khiến khu vực càng thêm bất ổn. Ngoài ra, còn có lo ngại rằng Iran có thể chia sẻ bí quyết hạt nhân của mình với các nhóm chiến binh, làm gia tăng rủi ro an ninh toàn cầu.
Mỹ đang hướng tới mục tiêu đạt được thỏa thuận hạt nhân mới với Iran vượt ra ngoài văn kiện năm 2015. Tổng thống Trump muốn chứng minh rằng ông có thể đàm phán một thỏa thuận “tốt hơn”, thỏa thuận không chỉ siết chặt chương trình hạt nhân mà còn giải quyết các vấn đề như tên lửa đạn đạo và ảnh hưởng của Iran trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Trump hôm 13-4 cho biết ông dự định sẽ sớm đưa ra quyết định về Iran, sau khi hai nước tổ chức vòng đàm phán đầu tiên tại Oman. Chủ nhân Nhà Trắng, người dọa sẽ có hành động quân sự nếu không đạt được thỏa thuận nào về việc dừng chương trình hạt nhân của Iran, nói với các phóng viên rằng ông đã gặp các cố vấn về Iran và hy vọng về một quyết định nhanh chóng.
HẠNH NGUYÊN (Theo Times of India, Reuters)