10/06/2024 - 18:27

Lung lay Nội các chiến tranh Israel 

Theo tờ Guardian ngày 10-6, Thủ tướng Benjamin Netanyahu được cho là đang xem xét giải tán Nội các chiến tranh mà hiện nay chỉ còn 2 thành viên là ông và Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant, sau khi Bộ trưởng Benny Gantz tuyên bố rút lui vì những bất đồng liên quan cuộc chiến chống phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.

Bộ trưởng Gantz phát biểu với truyền thông hôm 9-6. Ảnh: Reuters

“Ông Netanyahu đang ngăn cản chúng tôi tiến tới chiến thắng thực sự. Đó là lý do tại sao chúng tôi rời khỏi chính phủ khẩn cấp ngày hôm nay”, ông Gantz, chính trị gia có quan điểm ôn hòa, phát biểu trên truyền hình ngày 9-6. Ông cho rằng Thủ tướng Netanyahu đang thất bại trong cuộc xung đột với Hamas ở Gaza. Thành viên của đảng Liên minh quốc gia cũng kêu gọi nhà lãnh đạo Israel “ấn định thời điểm tổ chức bầu cử” sớm để thành lập một chính phủ “giành được sự tín nhiệm của nhân dân và có thể đối mặt với những thách thức”. Tuần trước, đảng Liên minh quốc gia theo đường lối ôn hòa đã đệ trình dự luật giải tán Quốc hội Israel và tổ chức bầu cử sớm.

Phản ứng trước quyết định từ chức của ông Gantz, Thủ tướng Netanyahu chỉ đưa ra tuyên bố ngắn gọn trên mạng xã hội X, trong đó kêu gọi chính trị gia này không “rời bỏ mặt trận”.

Bộ trưởng Gantz dự kiến công bố quyết định từ chức hôm 8-6, song sau đó hoãn lại do sự kiện Israel giải cứu thành công 4 con tin từ khu vực trung tâm Dải Gaza. Hồi tháng rồi, ông này đã đặt ra thời hạn chót đến ngày 8-6 để Thủ tướng Netanyahu công bố chiến lược rõ ràng cho vấn đề Gaza.

Ông Gantz, từng đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Quốc phòng Israel giai đoạn 2020-2022, gia nhập Nội các chiến tranh của Thủ tướng Netanyahu ngay sau vụ tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas. Sự hiện diện của Bộ trưởng Gantz trong Nội các chiến tranh đã góp phần nâng cao uy tín của Israel với các đối tác quốc tế do ông có quan hệ tốt với giới chức Mỹ. Vị này từng thách thức ông Netanyahu bằng cách đích thân đến thăm Washington vào tháng 3 và thường xuyên gặp Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ở Israel.

Tác động ngắn hạn

Việc ông Gantz rời đi sẽ không tạo mối đe dọa ngay lập tức cho liên minh cầm quyền của Thủ tướng Netanyahu, vốn đang kiểm soát 64 trong tổng số 120 ghế tại quốc hội. Tuy nhiên, ông Netanyahu sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các đồng minh cực hữu, những người phản đối bất kỳ sự thỏa hiệp nào và đe dọa sẽ từ chức nếu Israel chấp nhận kế hoạch ngừng bắn mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đề xuất gần đây.

Theo kế hoạch do ông Biden đặt ra vào cuối tháng 5, quân đội Israel sẽ rút khỏi các trung tâm dân cư ở Gaza và Hamas sẽ thả các con tin. Ban đầu lệnh ngừng bắn sẽ kéo dài sáu tuần, sau đó được gia hạn khi các nhà đàm phán tìm cách chấm dứt vĩnh viễn tình trạng thù địch.

Ngày 10-6, Ngoại trưởng Mỹ Blinken bắt đầu chuyến công du tới Trung Đông để thúc đẩy kế hoạch ngừng bắn nói trên, nhưng tình hình chính trị Israel hiện nay và sự im lặng của Hamas đối với kế hoạch ngừng bắn đã đặt ra thêm hoài nghi về khả năng thành công của ông.

Trong chuyến thăm khu vực lần thứ 8 kể từ khi xung đột Israel - Hamas nổ ra, nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ dự kiến hội đàm với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi tại Cairo và sau đó với Thủ tướng Netanyahu tại Jerusalem.

Tờ Nhật báo Phố Wall dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết chính quyền ông Biden sắp hoàn tất một hiệp ước với Saudi Arabia, trong đó Washington cam kết sẽ giúp bảo vệ quốc gia vùng Vịnh này. Đổi lại, Mỹ được quyền tiếp cận lãnh thổ và không phận của Saudi Arabia để bảo vệ lợi ích của Washington và các đối tác trong khu vực, đồng thời cấm Trung Quốc xây dựng căn cứ ở quốc gia giàu dầu mỏ này hoặc theo đuổi hợp tác an ninh với Riyadh. Hiệp ước cần có 2/3 số phiếu ủng hộ tại Thượng viện Mỹ để được thông qua. Đây là một phần trong thỏa thuận lớn hơn nhằm khuyến khích quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Israel. Thỏa thuận tiềm tàng này bao gồm một hiệp ước hạt nhân dân sự Mỹ - Saudi Arabia, các bước tiến tới thành lập một Nhà nước Palestine và chấm dứt chiến tranh ở Gaza.

HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết