Trong bối cảnh số người sống độc thân ở Trung Quốc ngày càng tăng, “nền kinh tế đồng hành” - khu vực chuyên cung cấp các sản phẩm và dịch vụ dành riêng cho nhóm khách hàng độc thân (bao gồm mua sắm, trò chuyện, chơi game...) - đang phát triển mạnh mẽ tại nước này.
Nền kinh tế đồng hành phát triển khi nhiều người Trung Quốc chọn sống độc thân.
Xiaoyun, một sinh viên chuyên ngành tâm lý học ở tỉnh Tứ Xuyên, nằm trong số những người đang tham gia nền kinh tế đồng hành. Để vừa trau dồi kỹ năng tư vấn vừa kiếm thu nhập, cô gái 20 tuổi bắt đầu làm một “pei liao” (hay “bạn trò chuyện”) từ tháng 4-2023.
Xiaoyun cho biết cô tình cờ tìm được công việc bán thời gian này trên mạng sau khi nhận thấy nhiều bạn bè xung quanh mình bị mất ngủ, cảm thấy khó thích nghi với cuộc sống sau khi chính phủ đột ngột thay đổi chính sách ứng phó đại dịch COVID-19. “Tôi nghĩ trở thành “pei liao” là một cách hay để kiểm tra các lý thuyết tư vấn mà mình đã học ở trường và rèn luyện khả năng đồng cảm” - Xiaoyun cho biết, đồng thời tiết lộ cô kiếm được từ 600NDT đến 2.000NDT (khoảng 2 triệu đến 7 triệu đồng) mỗi tháng, tùy thuộc vào gói dịch vụ khách hàng đăng ký. Số tiền này không bao gồm 20% phí Xiaoyun phải trả cho ứng dụng mà cô đăng ký để làm việc.
Theo công ty đầu tư nhà nước Sinolink Securities, nền kinh tế đồng hành lần đầu tiên được truyền thông Trung Quốc ghi nhận là xu hướng đang gia tăng vào năm 2019, sau đó được chú ý nhiều hơn vào cuối năm 2023 khi hai hãng truyền thông quốc gia Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo đưa tin về sự cần thiết phải chuyên nghiệp hóa trong lĩnh vực này.
Trên thực tế, nền kinh tế đồng hành xuất hiện ở Trung Quốc khi ngày càng nhiều người chọn sống độc thân, từ bỏ lối sống truyền thống là kết hôn và sinh con. Trong thập kỷ vừa qua, số lượng các cuộc hôn nhân ở Trung Quốc có xu hướng giảm từ mức đỉnh điểm 13,47 triệu cuộc vào năm 2013 xuống còn 6,84 triệu cuộc vào năm 2022.
Trong khi đó, một báo cáo của Sinolink Securities về nền kinh tế đồng hành cho thấy khu vực này ước tính sẽ đạt giá trị 50 tỉ NDT vào năm 2025. Báo cáo cũng chỉ ra việc giới trẻ Trung Quốc đã quen với cuộc sống trực tuyến khi họ chuyển sang sử dụng các ứng dụng phục vụ nhu cầu hàng ngày như mua thực phẩm, đi lại và giao hàng.
Tuy nhiên, những người thuê bạn đồng hành để cùng chơi game và trò chuyện có những phản ứng trái chiều về dịch vụ này. He, một nhà thiết kế đồ họa tự do 38 tuổi ở Bắc Kinh, từng thuê người cùng chơi trò chơi trực tuyến nổi tiếng Honor Of Kings vì tò mò. Anh này trả khoảng 300NDT cho 2 tiếng chơi chung, nhưng đã ngừng dùng dịch vụ vì thấy nó không khiến việc chơi game trở nên thú vị hơn.
Trong khi đó, một nhân viên cửa hàng tóc 32 tuổi tên Yang ở Bắc Kinh lại thực sự thích được nói chuyện với “pei liao” mỗi khi bị mất ngủ trong nửa năm qua. Yang nói mình thường chi khoảng 35NDT cho 30 phút trò chuyện.”Tôi cảm thấy bớt cô đơn hơn khi ở một thành phố xa lạ. Tôi thực sự thấy không có hại gì khi tiếp tục nói chuyện và chắc chắn sẽ sử dụng lại dịch vụ này”, người đàn ông quê ở Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang chia sẻ.
NGUYỆT CÁT (Theo Straits Times)