10/05/2012 - 21:23

Lời khước từ của ông Putin

Trong cuộc điện đàm với ông chủ Nhà Trắng Barack Obama ngày 9-5, tân Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thông báo lấy làm tiếc là ông không thể thực hiện chuyến công du tới Mỹ như kế hoạch để tham dự hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G8) diễn ra ngày 18 và 19-5 ở Trại David, khu nghỉ dưỡng miền thôn quê yên lành dành cho tổng thống Mỹ cách Thủ đô Washington không xa về phía Bắc. Người sẽ thay ông Putin sang Mỹ là cựu Tổng thống - tân Thủ tướng Dmitry Medvedev.

Lý do mà ông chủ mới của Điện Kremlin khước từ chuyến công cán quan trọng lần này là vì bận hoàn tất danh sách thành lập nội các mới. Và ông xin hẹn gặp lại Tổng thống Obama bên lề hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Mexico vào tháng 6. Ông Obama dĩ nhiên tuyên bố “thông cảm” cho quyết định của Putin và hoan nghênh sự tham gia của Thủ tướng Medvedev tại hội nghị G8.

Giới chuyên gia cho rằng lý do của ông Putin hoàn toàn “hợp lệ”, chỉ có điều ông Obama đã chuẩn bị sẵn sàng cho “cuộc gặp lớn” với vị Tổng thống mới của nước Nga. Để tạo bầu không khí dễ chịu cho ông Putin, Tổng thống Mỹ đã chọn Trại David làm nơi tổ chức hội nghị G8 thay vì ở Chicago, nơi sẽ khai diễn hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 20-5 mà ông Putin đã thẳng thừng từ chối lời mời tham dự.

Theo Thời báo New York, quyết định của ông Putin vì thế là một động thái bất ngờ đối với nhiều quan chức chính phủ Mỹ và giới ngoại giao châu Âu. Mới hồi tuần rồi, Nhà Trắng đã cử Cố vấn an ninh quốc gia Tom Donilson đến Mát-xcơ-va hai ngày để gặp ông Putin bàn thảo về chương trình nghị sự của hội nghị G8 mà không hề thấy dấu hiệu ông Putin đưa ra quyết định như vậy. Tuy nhiên, báo chí phương Tây cho rằng giới chức Mỹ đã làm nhiều chuyện “phật lòng” ông Putin. Sau cuộc bầu cử Tổng thống Nga, nhiều quan chức Mỹ lên tiếng “phản đối kết quả bầu cử”. Nhà Trắng thì không trực tiếp chúc mừng thắng lợi của ông Putin, mà chỉ ra thông cáo “Mỹ muốn hợp tác với ông Putin”. Ông Obama chỉ gọi điện chúc mừng ông Putin sau nhiều ngày chần chừ, trong khi lại chúc Tổng thống đắc cử Pháp Francois Hollande chỉ sau vài giờ.

Tại hội nghị thượng đỉnh hạt nhân quốc tế diễn ra tại Seoul (Hàn Quốc) hồi tháng 3-2012, ông Obama đã “ân cần” nhắn gởi ông Putin thông qua Medvedev về sự hợp tác linh hoạt hơn trong vấn đề phòng thủ tên lửa của NATO tại châu Âu. Nhưng ông Obama đã không xử sự kịp thời khi ông Putin đắc cử Tổng thống. Hội nghị thượng đỉnh G8 và cả NATO đều không có người đứng đầu nước Nga, nơi mà giới chức quân sự dọa sẽ tấn công phủ đầu chống lại hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO tại Âu châu, điều đó cho thấy quan hệ Mỹ-Nga có lẽ cần phải “khởi động lại” một lần nữa.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết