19/09/2021 - 06:54

Lợi ích quốc gia là trên hết 

Pháp đã triệu hồi đại sứ của mình tại Mỹ và Úc về nước ngay lập tức để tham vấn, thể hiện sự bất bình sâu sắc của Paris về thỏa thuận tàu ngầm trị giá lên đến 65-66 tỉ USD với Canberra bị hủy bỏ một cách bất ngờ.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra thân tình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh hồi tháng 6-2021. Ảnh: Reuters

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tỏ ra thân tình bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Anh hồi tháng 6-2021. Ảnh: Reuters

Trước khi có quyết định mạnh mẽ trên, chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có những phản ứng dữ dội sau khi Điện Élysée nhận được thư thông báo hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm từ Thủ tướng Úc Scott Morrison sáng 14-9, chỉ vài giờ trước khi Hiệp định Đối tác tăng cường an ninh ba bên Úc - Anh - Mỹ (AUKUS) được lan truyền trên khắp thế giới.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian bày tỏ ông “tức giận và cay đắng” khi bị các đồng minh “phản bội” và “đâm sau lưng”. Ông Le Drian cho biết quyết định triệu hồi đại sứ về nước được thực thi theo lệnh của Tổng thống Macron và đó là “quyết định đặc biệt được phân tích dựa trên tính chất nghiêm trọng đặc biệt trong thông báo của Mỹ và Úc”. Pháp chưa bao giờ triệu đại sứ tại Mỹ về nước trong lịch sử quan hệ đồng minh từ năm 1778.

Dư luận Pháp cũng vào cuộc khi tờ Le Monde cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden không khác biệt gì với chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump ở điểm này: “Mỹ đi đầu, cho dù đó là lĩnh vực chiến lược, kinh tế, tài chính hay y tế. “Nước Mỹ trên hết” là đường lối dẫn dắt chính sách đối ngoại của Nhà Trắng”. Bà Georgina Wright, người đứng đầu chương trình châu Âu thuộc Viện Montaigne có trụ sở tại Paris, đánh giá đồng minh Mỹ đã xoay trục khỏi châu Âu và không thể tin cậy được. “Khi Mỹ đưa ra quyết định, họ sẽ đi trước và sẽ không suy tính kỹ về các đồng minh”, bà Wright bình luận về bản chất “nước Mỹ trên hết” của Washington.

Không chỉ Washington, chính quyền Canberra cũng hành động vì lợi ích quốc gia là trên hết. Chưa rõ Úc có thông báo ý định hủy bỏ thỏa thuận tàu ngầm với phía Pháp trước hay không (vấn đề này đang tranh cãi), nhưng Bộ trưởng Quốc phòng Úc Peter Dutton lập luận rằng hoạt động của tàu ngầm quy ước chạy bằng động cơ diesel - điện của Pháp “không ưu việt” hơn so với các loại tàu ngầm vận hành bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ và Anh. Vì thế, ông Dutton tuyên bố quyết định của Úc hủy hợp đồng tàu ngầm với Pháp là “dựa trên những gì có lợi nhất cho an ninh quốc gia của chúng tôi”.

Quả thật, giới phân tích cho rằng các cường quốc công nghiệp phương Tây bên cạnh sự hợp tác chặt chẽ còn phải cạnh tranh quyết liệt với nhau vì lợi ích quốc gia tối thượng. Pháp đã đánh bại Nhật Bản và Đức để ký hợp đồng đóng tàu ngầm cho Úc năm 2016. Tuy nhiên, có lẽ chuyến công du Anh của Thủ tướng  Morrison nhân Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) hồi tháng 6-2021 với sự hiện diện của Tổng thống Biden đã dẫn đến quyết định của Úc hủy bỏ hợp đồng tàu ngầm với Pháp. Đổi lại, Hiệp định an ninh ba bên AUKUS vừa được thông báo sẽ cho phép Úc xây dựng hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Đối với Pháp, mất thỏa thuận tàu ngầm khổng lồ không chỉ là đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp quốc phòng, mà còn làm suy yếu vị thế chiến lược của nước này tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trước “cú sốc” trên, Ngoại trưởng Le Drian tuyên bố Pháp sẽ càng phải quyết tâm thúc đẩy chiến lược tự chủ an ninh và quốc phòng chung cho châu Âu sau khi Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ “đơn phương” rút quân khỏi Afghanistan bất chấp sự quan ngại của nhiều nước đồng minh. Có những băn khoăn rằng AUKUS, vốn được coi là nỗ lực tăng cường sức răn đe đối với tham vọng bành trướng các vùng biển khu vực của Trung Quốc, sẽ ảnh hưởng đến sự hợp tác giữa Mỹ và châu Âu trong chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết