Ngày 3-3 tới, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sẽ trở thành nhà lãnh đạo nước ngoài thứ hai, sau cố Thủ tướng Anh Winston Churchill, ba lần phát biểu trước Quốc hội Mỹ. Bài diễn văn của ông Netanyahu, với nội dung cảnh báo các ông nghị xứ cờ hoa về những nguy hiểm mà thỏa thuận hạt nhân với Iran mang lại, diễn ra một ngày trước khi nhóm các cường quốc P5+1 và Tehran bước vào vòng đàm phán mới nhằm đạt được thỏa thuận khung trước cuối tháng 3, sau đó sẽ thảo luận chi tiết của hiệp định cuối cùng trước hạn chót 30-6.
Tại Washington, ngoài việc ngăn chặn thỏa thuận hạt nhân với Iran, ông Netanyahu cũng muốn tận dụng cơ hội này để ghi điểm cho mình trong cuộc đua giành nhiệm kỳ thứ tư tại cuộc bầu cử quốc hội diễn ra đúng 2 tuần sau.
Thế nhưng những ước vọng đó xem ra khó thành. Bản thân Thủ tướng Netanyahu đã phải thừa nhận không chắc đủ sức ngăn cuộc đàm phán đang vào giai đoạn về đích, còn áp đặt thêm trừng phạt lên Tehran cũng không dễ vì phải cần sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ Mỹ. Trong khi đó, các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ đảng cánh hữu Likud của ông hiện chỉ ngang bằng với đảng trung tả đối lập. Nên nhớ là trước khi ông đưa ra quyết định tới Washington hồi tháng 1, Likud từng được dự báo giành nhiều hơn Liên đoàn Do Thái 4-5 ghế trong quốc hội 120 ghế.
Ngoài ra, việc ông Netanyahu phát biểu trước Quốc hội Mỹ theo lời mời của Chủ tịch Hạ viện John Boehner (đảng Cộng hòa) mà không thông qua Nhà Trắng cũng khiến Tổng thống Barack Obama phật ý. Ông Obama, người kiên định đàm phán với Iran, đã tuyên bố không gặp thủ tướng Israel, dù với lý do là để tránh gây ngộ nhận rằng Washington tác động tới cuộc bỏ phiếu ở Tel Aviv.
“Có nhiều rủi ro hơn là thuận lợi. Tôi không thấy được bằng cách nào mà chiến lược này có thể thành công. Chuyến thăm sẽ cho thấy độ sâu rạn nứt trong quan hệ giữa chính phủ ông ấy, và bản thân ông ấy (Netanyahu) với Mỹ”- Giáo sư Eytan Gilboa, một chuyên gia về quan hệ Israel- Mỹ tại Đại học Bar-Ilan (Israel), nhận định. Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Susan Rice cũng vừa lên tiếng cảnh báo quyết định của ông Netanyahu đã tiêm nhiễm tính chất đảng phái vào bang giao Mỹ- Israel, và có nguy cơ gây tổn hại cho quan hệ đồng minh lâu đời giữa hai nước.
Theo Giáo sư Gilboa, ngay cả khi Thủ tướng Netanyahu chiến thắng trong cuộc bầu cử sắp tới thì cái giá phải trả là ông này sẽ không được mời tới Nhà Trắng lần nữa.
Quốc Khánh