Trung Quốc vừa một lần nữa “chớp thời cơ” trong hợp tác kinh tế với Nga, vào lúc quan hệ thương mại và đầu tư giữa Mát-xcơ-va và phương Tây đang trắc trở vì vấn đề Ukraina.
Nhân chuyến thăm Nga 3 ngày lần đầu tiên của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường, hai nước đã ký kết tổng cộng 38 thỏa thuận quan trọng trên nhiều lĩnh vực, trong đó đặc biệt là thỏa thuận trao đổi đồng nội tệ trị giá 25,5 tỉ USD nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong vòng 3 năm tới. Thỏa thuận này được cho là nhằm làm giảm sự phụ thuộc vào đồng USD và euro, đồng thời tăng cường tính quốc tế của đồng nhân dân tệ và đồng rúp. Các ngân hàng Trung Quốc cũng đồng ý cung cấp tổng khoản vay hơn 4,5 tỉ USD cho một số ngân hàng và công ty Nga bị phương Tây cấm vận. Tập đoàn năng lượng Nga chấp nhận xây dựng đường ống khí đốt thứ hai sang Trung Quốc.
Hãng tin Anh Reuters đánh giá các thỏa thuận trên là những thành công mới trong chính sách “hướng Đông” mà Tổng thống Vladimir Putin vạch ra nhằm “né” đòn trừng phạt của phương Tây. Hồi tháng 5 vừa qua, Nga-Trung đã ký hợp đồng kéo dài 30 năm cung cấp lượng khí đốt khổng lồ có giá trị lên tới 400 tỉ USD.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc hội đàm và chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng kinh tế giữa các doanh nhân của hai nước, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đều tuyên bố Nga-Trung còn nhiều tiềm năng lớn để mở rộng hợp tác. Ông Lý nhấn mạnh thêm “hai nước toàn tâm phát triển mối quan hệ bền vững và cùng nhau bảo vệ hòa bình, ổn định cho khu vực và thế giới”. Cũng theo ông Lý, việc hai nước phối hợp tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm ngày đánh bại phát xít Đức trong Thế chiến thứ 2 vào năm tới là một phần trong nỗ lực của hai nước nhằm “bảo vệ công lý và trật tự quốc tế”.
Trung Quốc là nước cực lực phản đối phương Tây cô lập Nga và thậm chí ủng hộ chính sách của Mát-xcơ-va đối với Ukraina. Đổi lại, Nga đã “im hơi lặng tiếng” trước các hành động thô bạo bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc trên Biển Đông hồi tháng 5.
Theo hãng tin Pháp AFP, có những chỉ trích cho rằng trong thỏa thuận mua bán khí đốt với nền kinh tế “khát năng lượng” Trung Quốc, Nga là bên chịu thiệt về giá cả do tình thế cấp bách với châu Âu. Ngược lại, Trung Quốc có thể gặp bất lợi trong giao dịch tiền tệ bởi sự sụt giá nhanh chóng của đồng rúp Nga... Nhưng xem ra, “cái thiệt do tình thế ” vẫn không thể bì với “cái lợi chiến lược” mà cả hai đạt được sau chuyến đi Nga của ông Lý Khắc Cường vừa qua.
KIẾN HÒA