08/01/2022 - 08:39

Lo Tết... 

Tết về! Bên cạnh niềm vui đón năm mới là hàng trăm công việc không tên, từ mua sắm quần áo, vật dụng, chuẩn bị các khoản chi tiêu; đến sắp xếp quà tặng, hiếu hỉ với hai bên nội ngoại, những mối quan hệ thâm giao... Tất cả đều cần chị em sắp xếp chu đáo.

Đón xuân an toàn, tiết kiệm…

Chị Võ Thị Nhành, ở xã Thạnh Phú, chuẩn bị một số loại cá khô để gia đình dùng và làm quà biếu trong dịp Tết. Ảnh: CTV​

Chị Võ Thị Nhành, ở xã Trung Hưng, chuẩn bị một số loại cá khô để gia đình dùng và làm quà biếu trong dịp Tết. Ảnh: CTV

Chị Nguyễn Thị Nhung ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy, chia sẻ: "Hằng năm, cứ khoảng 2 tuần nữa đến Tết thì cả nhà tôi sẽ cùng nhau làm vệ sinh, trang hoàng nhà cửa. Độ chừng ngày 25, 26 Tết, vợ chồng cùng đi mua hoa tươi như mai, hạnh, cúc chưng Tết. Tuy nhiên, năm nay do tình hình dịch bệnh phức tạp, tôi chủ trương đón xuân tiết kiệm, tích lũy tiền để chăm lo cho gia đình. Theo tôi, việc dọn dẹp, sắp đặt nhà cửa tuy vất vả, nhưng nếu các thành viên cùng chung tay thì sẽ đâu vào đó".

Hằng năm, cứ vào dịp Tết, việc mua sắm quần áo hay vật dụng cần thiết đối với nhiều gia đình khá thoải mái. Còn năm nay, trong tình hình kinh tế khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, với vai trò "tay hòm chìa khóa", nhiều chị em đã tính toán, cân nhắc các khoản chi tiêu. Chị Trần Thị Bé Ba ở huyện Phong Điền, kể: "Cả hai vợ chồng tôi đều là công nhân. Tiền thưởng Tết của 2 vợ chồng được khoảng 10 triệu đồng. Tôi cân đối, trích một phần mua sắm quần áo cho các thành viên, số còn lại sử dụng làm chi phí đi lại, hiếu hỉ cho hai bên gia đình trong dịp Tết". 

Tương tự, chị Võ Thị Nhành ở xã Trung Hưng, huyện Cờ Đỏ, cho biết, vợ chồng chị có 2 con. Chồng là giáo viên, chị làm rẫy phụ thêm kinh tế gia đình. Năm nay, dịch bệnh kéo dài, chị cân đối lại các khoản chi tiêu, đón Tết an toàn, tiết kiệm. Chị phấn khởi kể, nhờ tham gia tổ góp vốn xoay vòng, chị nhường mọi người nhận trước, chị nhận tháng cuối năm, được hơn 3 triệu đồng. Từ số tiền này, chị mua sắm quần áo cho sắp nhỏ và bánh mứt trong nhà. Ngoài ra, chị tự làm thêm một số loại cá khô để dùng và biếu họ hàng. "Đối với tôi, trong thời điểm kinh tế khó khăn, đón Tết như vậy đã là tươm tất, đầy đủ. Quan trọng là tình cảm gia đình luôn khắn khít, đầm ấm, vui vẻ" - chị Nhành chia sẻ.

Để Tết thêm vui

Chị Thúy Dung chuẩn bị lạp xưởng làm quà biếu Tết, vừa tranh thủ kinh doanh mặt hàng này, kiếm thu nhập trong dịp Tết. Ảnh: CTV

Đón Tết, rất nhiều việc cần đến sự đảm đang, vén khéo của chị em, từ nấu nướng, cúng kiếng ông bà... Theo nhiều chị em, việc chọn quà tặng họ hàng dịp Tết cũng là việc "đau đầu". Tuy nhiên, với chị Võ Thị Thúy Dung thì mọi việc khá nhẹ nhàng. Chị Thúy Dung kể, quê chị ở Tiền Giang, chị lập gia đình về Sóc Trăng sinh sống được 5 năm. Thời gian đầu, dịp Tết, chị đắn đo không biết phải sắm quà gì tặng hai bên gia đình, họ hàng. Hai năm qua, chị thường chọn quà là đặc sản của quê hương mỗi bên để biếu tặng. Chị Dung hào hứng kể: "Tôi chọn lạp xưởng Cai Lậy quê nhà để biếu tặng cho họ hàng bên chồng, mọi người rất hài lòng, khen ngon. Còn khi tôi về quê Tiền Giang thì chọn các loại mứt, bánh pía, kẹo đậu phộng của Sóc Trăng để "lấy lòng" ông bà ngoại". Chị Nguyễn Thị Hồng Loan ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, cũng có cùng suy nghĩ với chị Thúy Dung. Nhiều năm nay, đến dịp Tết, chị chọn đặc sản bưởi da xanh của anh em họ hàng trồng, làm quà tặng khách hàng, bạn bè thâm giao. Theo chị Hồng Loan, chọn "cây nhà lá vườn" vừa giúp anh em trong gia đình chị Loan có "đầu ra" cho sản phẩm, mà những người được tặng cũng rất vui, vì "của ít lòng nhiều". Chị Loan bày tỏ: "Một, hai cặp bưởi không đáng bao nhiêu, nhưng thể hiện tấm lòng, sự quan tâm của mình đối với mọi người, nên đa số bạn bè, khách hàng rất vui". 

Còn chị Nguyễn Thị Kim Cúc ở quận Cái Răng, thường đặt quà Tết từ người bạn vốn nổi tiếng làm tôm khô và dưa mắm khéo để gởi biếu hai bên nội ngoại. Riêng tiền thưởng Tết, năm nào chị Cúc cũng bỏ bao lì xì để tặng các cháu. Đó đã là một nét đẹp truyền thống của gia đình chị Cúc. Điều chị phấn khởi là năm nay, con gái đã lớn, biết phụ giúp mẹ trang hoàng nhà cửa đón Tết. "Tôi dự định hướng dẫn con gái cùng nấu ăn, chuẩn bị mâm cơm ngày Tết với các món truyền thống: canh khổ qua hầm, thịt kho hột vịt. Tôi nghĩ, ăn Tết đơn giản, miễn cả gia đình quây quần, hạnh phúc bên nhau là tôi mãn nguyện" - chị Kim Cúc chia sẻ.

Để ngày Tết trọn vui, theo nhiều chị em, cần có kế hoạch cụ thể, từ việc vệ sinh nhà cửa, chuẩn bị quà Tết, phân bổ thời gian hợp lý để thăm hỏi, ăn Tết cùng hai bên gia đình. Mặt khác, các chị cũng đừng tạo quá nhiều áp lực cho bản thân khi phải gồng mình sắp đặt mọi thứ mà cần có sự bàn bạc và chia sẻ cùng các thành viên trong gia đình. Có như vậy thì ngày Tết mới thực sự ý nghĩa - là dịp sum vầy và để mỗi khi Tết đến, các chị không còn ngán ngại, vì phải lo toan quá nhiều việc.

ĐỒNG TÂM

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
TếtĐón xuân