17/09/2024 - 19:33

Nhà văn Trương Chí Hùng:

“Tôi luôn nỗ lực tìm kiếm nhân vật và câu chuyện có khả năng neo lại thật lâu với cuộc đời” 

Ảnh: NVCC

 

“Con nước tha hương” (NXB Quân đội nhân dân) là tập bút ký của nhà văn Trương Chí Hùng vừa ra mắt bạn đọc. Những bài bút ký thấm đẫm tình đất, tình người miền Tây được nhà văn quê An Giang viết nên bằng sự trải nghiệm và xúc cảm, cộng hưởng từ nhiều chuyến rong ruổi dọc ngang sông nước đồng bằng.

Phóng viên Báo Cần Thơ có cuộc trò chuyện với nhà văn Trương Chí Hùng xoay quanh cuốn sách này:

* Đọc “Con nước tha hương”, người đọc thấy thêm yêu vùng quê sông nước và người miền Tây mình quá! Anh nghĩ sao về cảm nhận này của nhiều người?

- Tôi viết tập bút ký này bằng tình yêu sâu đậm và những trăn trở về quê hương miền Tây. Có lẽ điều đó đã ít nhiều chạm đến trái tim của bạn đọc. Ngoài ra, tôi cũng mong những tình cảm mà chúng ta dành cho miệt sông nước sẽ biến thành động lực góp phần phát triển một miền Tây đang đứng trước nhiều thách thức.

* Tôi đã đọc bút ký Trương Chí Hùng từ “Man mác Vàm Nao”, đến nhiều tác phẩm khác đăng trên các báo, tạp chí và giờ là “Con nước tha hương”. Bàng bạc trong bút ký của anh là con nước đồng bằng, nỗi buồn và nỗi niềm với người đồng bằng. Điều gì đã thôi thúc anh gửi gắm những điều đó trong tác phẩm của mình?

- Tôi sinh ra và lớn lên ở An Giang, mảnh đất đầu nguồn sông Cửu Long. Từ nhỏ, tôi đã ngụp lặn mưu sinh cùng sông nước. Sau này, dù có rong ruổi nơi đâu, ký ức về sông nước cũng luôn ngập tràn trong tâm thức tôi. Có điều, theo dòng chảy của thời gian, tôi chứng kiến con nước quê hương cũng bấp bênh với những dòng sông bồi lở. Người đồng bằng vốn dĩ phóng khoáng, hào sảng, yêu đời, vẫn luôn gắn bó với đất đồng bằng. Nhưng, cũng vì nhiều lý do và hoàn cảnh khác nhau, vì mưu sinh, cơm áo gạo tiền, có nhiều người miền Tây đã phải chọn cách ly hương, xa xứ, bỏ lại những con sông quê để dạt trôi lên chốn thị thành. Họ như những “con nước tha hương”. Những điều đó cứ day dứt trong lòng thôi thúc tôi phải viết. Và có lẽ, những điều anh cảm nhận khi đọc bút ký của tôi là khi tôi trăn trở câu chuyện ấy.

* Những trang bút ký của Trương Chí Hùng không quá dạt dào cảm xúc kiểu bi lụy nhưng lại khiến người đọc khi buồn, khi vui, khi xót xa cho số phận, khi quyến luyến sông nước quê mình. Anh có thể chia sẻ đôi chút về việc viết bút ký?

- Tôi chọn sáng tác theo thể loại bút ký văn học, cũng là muốn trang văn của mình không xa rời hiện thực. Dù vậy, nếu chỉ dừng lại ở chức năng “phản ánh hiện thực”, chắc chắn bút ký văn học sẽ không tách biệt được với các thể loại báo chí, cũng khó tạo được “chỗ đứng” trong bối cảnh công nghệ hiện đại, khi người ta dễ dàng tìm thông tin “người thật việc thật” rất nhanh chóng tiện lợi. Nhiều người cho rằng bút ký phải “ướt át” mới hấp dẫn người đọc. Thật ra, chất văn chương rất cần trong tác phẩm bút ký, nhưng đó không phải là tất cả. Với tôi, mỗi tác phẩm cần dựa vào chất liệu hiện thực, nhưng nhà văn phải kể được câu chuyện xúc động với những phận người điển hình. Chính vì thế tôi luôn nỗ lực tìm kiếm nhân vật và câu chuyện có khả năng neo lại thật lâu với cuộc đời. Tất nhiên điều này không hề dễ.

* Xin cám ơn anh!

Ảnh: DUY KHÔI

Nhà văn Trương Chí Hùng quê huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, hiện là giảng viên Khoa Sư phạm, Trường Đại học An Giang. Anh là chủ nhân giải Nhất Cuộc thi bút ký văn học khu vực ĐBSCL năm 2017 với tác phẩm “Man mác Vàm Nao” và được tặng thưởng Bút ký hay nhất Tạp chí Văn nghệ quân đội năm 2022. Một số sách đã xuất bản: tập thơ “Một nửa quê nhà”, tản văn “Trong sương thương má”, bút ký “Man mác Vàm Nao”, tản văn “Miền Tây lạ lắm à nghen”, bút ký “Nẻo đời phiêu bạt”, tản văn “Sống cùng nước”…

Tập bút ký “Con nước tha hương” gồm 12 tác phẩm, tiêu biểu như “Trở lại Miệt Thứ”,”Cuối dòng sông Hậu”, “Xuôi miệt Gành Hào”, “Nhâm nhi hoa trái”…

ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết