09/08/2008 - 08:21

Liệu Mỹ có bỏ rơi ông Musharraf?

Pakistan đang lún vào cuộc khủng hoảng chính trị mới sau khi liên minh cầm quyền nhất trí khởi động tiến trình luận tội Tổng thống Pervez Musharraf. Trong khi đó, Mỹ dường như cũng “buông” đồng minh gần gũi của họ trong cuộc chiến chống khủng bố, và chỗ dựa còn lại của ông Musharraf là quân đội thì chưa có thái độ rõ ràng.

Tổng thống Musharraf đau đầu. Ảnh: AFP 

Việc luận tội Tổng thống Musharraf được đưa ra sau 3 ngày đàm phán giữa Đảng Nhân dân Pakistan (PPP) của cố Thủ tướng Benazir Bhutto và Liên đoàn Hồi giáo-Nawaz (PML-N) của cựu Thủ tướng Nawaz Sharif. Để buộc tội tổng thống, liên minh này phải chứng minh được ông Musharraf vi hiến khi tiến hành đảo chính lật đổ Thủ tướng dân cử Sharif năm 1999 và ban bố tình trạng khẩn cấp hồi tháng 11 năm ngoái. Hiện liên minh cầm quyền nắm giữ 294 ghế và đang tranh thủ sự ủng hộ của các nghị sĩ độc lập để có được hơn 2/3 số phiếu ủng hộ ở Quốc hội 442 ghế nhằm lật đổ tổng thống. Asif Ali Zardari, đồng Chủ tịch PPP, cho biết vài ngày tới sẽ công bố chi tiết “tội trạng” của ông Musharraf.

Giới quân sự từng tuyên bố sẽ giữ vai trò trung lập. Nhưng trước nguy cơ cựu lãnh đạo (Tướng Musharraf mới từ chức Tổng tư lệnh quân đội để trở thành tổng thống dân sự hồi cuối năm ngoái) bị dồn vào đường cùng, có thể quân đội, vốn nhiều lần tiến hành đảo chính trong lịch sử 61 năm ở Pakistan, sẽ không “khoanh tay” đứng ngoài. Sau nhiều cuộc họp vài ngày qua, giới quân sự vẫn chưa có phản ứng gì. Nếu quân đội ủng hộ, ông Musharraf có thể sử dụng quyền giải tán Quốc hội để ngăn chặn việc luận tội ông. Tuy nhiên, Đại tướng nghỉ hưu Talat Masood, nhà phân tích quân sự Pakistan, cho rằng Tướng Ashfaq Parvez Kayani, đương kim Tổng tư lệnh quân đội, có thể âm thầm gây sức ép buộc ông Musharraf từ chức để tránh nguy cơ khủng hoảng chính trị.

Thất thế bên trong, Tổng thống Musharraf cũng không được ủng hộ bên ngoài. Trước đây, ông được Washington xem như “đồng minh trung tâm” trong cuộc chiến chống khủng bố, với hơn 12 tỉ USD viện trợ quân sự từ sau vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 ở Mỹ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ đang bỏ rơi ông Musharraf. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Gonzago Gallegos ngày 7-8 tuyên bố một cách lạnh lùng rằng “Việc luận tội ông Musharraf là vấn đề nội bộ của Pakistan. Washington và Islamabad vẫn là đồng minh gần gũi trong cuộc chiến chống khủng bố và Mỹ sẽ tiếp tục mối quan hệ này với chính quyền dân cử của Pakistan”. Thái độ thờ ơ của Mỹ trước số phận “chỉ mành treo chuông” của ông Musharraf dường như đã nói lên rằng mối quan hệ “đồng minh trung tâm” thuở nào giờ đây đã đến hồi kết thúc?

N.MINH (Theo NYT, AFP, Guardian)

Chia sẻ bài viết