30/11/2018 - 23:05

Lầu Năm Góc dốc sức phát triển “siêu chiến binh”

Quân đội Mỹ đang đầu tư hàng triệu USD vào “công nghệ bộ xương ngoài” để giúp các binh sĩ mạnh mẽ và dẻo dai hơn, bước đi được các chuyên gia mô tả là một phần trong nỗ lực phát triển các thiết bị hiện đại cho thế hệ “siêu chiến binh”.

Hôm 29-11, tập đoàn vũ khí Lockheed Martin Corp thông báo họ giành được hợp đồng trị giá 6,9 triệu USD từ lục quân Mỹ để nghiên cứu và phát triển bộ xương trợ lực mang tên ONYX (ảnh). Lockheed Martin bắt tay phát triển ONYX sau khi nhận được sự cho phép của B-TEMIA ở Canada, công ty đầu tiên chế tạo những bộ khung này nhằm giúp những người mắc bệnh như đa xơ cứng và viêm xương khớp nặng đi lại dễ dàng hơn. Khi mặc vào, khung trợ lực Keeogo hoạt động bằng pin sẽ sử dụng bộ cảm biến, trí thông minh nhân tạo (AI) và công nghệ khác để hỗ trợ người mặc cử động tự nhiên.

Đối với quân đội Mỹ, nhu cầu về công nghệ này rất rõ ràng. Đó là binh sĩ hiện triển khai đến những vùng chiến sự mang trên người nhiều thiết bị quan trọng nhưng nặng nề, chẳng hạn như áo giáp, kính nhìn xuyên đêm và hệ thống thông tin vô tuyến tối tân. Tổng cộng, chúng nặng 40-64kg, trong khi trọng lượng khuyến cáo chỉ là 23kg. “Điều này có nghĩa khi binh sĩ chiến đấu, họ rất mệt” - Paul Scharre, người dẫn đầu một loạt nghiên cứu về xương ngoài, nhận định. Bộ đồ mặc ở phần thân dưới này cho phép binh sĩ truyền sức nặng của đồ vật từ cơ thể sang thiết bị công nghệ cao. Không chỉ giảm gánh nặng, nó cũng sẽ giúp binh sĩ phòng tránh những thương tích ở lưng, hông và đầu gối khi leo trèo. ONYX được phát triển theo hướng có thể ngâm dưới nước trong 15 phút. Trải qua ít nhất 3 giai đoạn thử nghiệm và phát triển, bộ giáp này dự kiến đưa vào sử dụng trong năm 2021.

Thông tin tích cực mà phía Lockheed Martin cung cấp là những người trực tiếp tham gia thử nghiệm ONYX đã cải thiện đáng kể sức chịu đựng. Keith Maxwell, giám đốc công nghệ xương ngoài của Lockheed Martin, cho biết mỗi bộ ONYX dự kiến trị giá hàng chục ngàn USD. Trong khi thiết bị hiện nay tập trung vào phần thân dưới, thì có những công nghệ đang được nghiên cứu để có thể hỗ trợ phần thân trên và nhiều khả năng bộ giáp chiến thuật hạng nhẹ (TALOS) sẽ được Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt Mỹ phát triển.

Nga thử nghiệm bộ giáp  “siêu chiến binh”

 Ảnh: PR Newswire

Thật ra, Mỹ không phải là quốc gia đầu tiên theo đuổi những bộ khung ngoài. Nga và Trung Quốc cũng đã rót tiền vào công nghệ này với những tiến bộ “ngang hàng” với xứ cờ hoa. Trong đó,
Mát-xcơ-va nghiên cứu phát triển nhiều phiên bản xương ngoài và gần đây họ thử nghiệm phiên bản “bị động” tại Syria, chủ yếu cho phép binh sĩ mang đồ vật nặng hơn, lên đến 50kg.

Còn phiên bản “chủ động”, dự kiến được cho ra trận trong 7 năm tới, sẽ trực tiếp nâng cao khả năng tác chiến của binh sĩ. Cụ thể, tại triển lãm kỹ thuật quân sự Army 2018  hồi tháng 8 vừa qua, quân đội xứ bạch dương đã trình làng nguyên mẫu bộ xương ngoài bằng sợi các-bon, có thể “biến” binh sĩ thành những siêu chiến binh. Nhờ được trang bị các động cơ điện và pin, bộ xương ngoài này sẽ hỗ trợ binh sĩ mang vác dụng cụ tác chiến và vũ khí nhiều hơn, di chuyển nhanh hơn và hoàn thành các mục tiêu hiệu quả hơn. Với bộ áo giáp nhẹ và cực bền, binh sĩ có thêm sức mạnh để bắn súng máy chỉ bằng một tay. Đi kèm với bộ đồ này còn có nón bảo hiểm được tích hợp hệ thống ngắm, giúp tính toán khoảng cách đến mục tiêu, đồng thời thể hiện nhiệt độ không khí và tốc độ gió.

THANH BÌNH (Theo Reuters, The Week)

Chia sẻ bài viết