14/11/2011 - 08:41

Lãnh đạo PIIGS hết thời !

Dưới sức ép chính trị trong nước, Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi ngày 12-11 đã chấp nhận từ chức, mở đường cho nhà kinh tế không đảng phái Mario Monte thành lập chính phủ mới. Như vậy, chỉ riêng tuần qua đã có 2 nhà lãnh đạo châu Âu phải từ bỏ quyền lực trong vòng xoáy cuộc khủng hoảng nợ công. Vài ngày trước đó, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cũng đã rời nhiệm sở, trao gánh nặng nợ nần lại cho cựu thống đốc ngân hàng trung ương Lucas Papademos.

Đúng như nhận định của báo La Vanguardia (Tây Ban Nha), “không một nhà lãnh đạo nào của PIIGS có thể sống sót”. Tại 5 quốc gia này, gồm Bồ Đào Nha, Ireland, Ý, Hy Lạp và Tây Ban Nha thì hiện đã có 4 người đứng đầu chính phủ bị “trảm” (Thủ tướng Ireland Brian Cowen và Thủ tướng Bồ Đào Nha Jose Socrates từ chức hồi nửa đầu năm nay). Duy chỉ còn Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero là vẫn cầm cự được cho tới bây giờ.

Ông Zapatero không ra tranh cử trong cuộc bỏ phiếu ngày 20-11 tới mà đảng Xã hội quyết định chọn cựu Phó Thủ tướng Alfredo Perez Rubalcaba làm ứng viên. Tuy nhiên, thay đổi này vẫn không giúp họ tránh được thất bại. Theo các cuộc thăm dò dư luận trước bầu cử, đảng Nhân dân đối lập sẽ chiến thắng vang dội bởi cử tri muốn trừng phạt đảng cầm quyền vì đã để kinh tế rơi vào tình trạng tồi tệ nhất trong 6 thập niên qua. Cụ thể, đảng Nhân dân dưới sự lãnh đạo của ông Mariano Rajoy sẽ bỏ xa đảng Xã hội 17 điểm và giành đa số lớn nhất tại quốc hội kể từ năm 1982.

Tuy không có mức nợ công cao như các quốc gia khác trong PIIGS (xấp xỉ hoặc lớn hơn tổng sản phẩm quốc hội- GDP) nhưng tỷ lệ nợ công của Tây Ban Nha đang tăng nhanh, dự kiến tương đương 67% GDP vào cuối năm nay- gần gấp đôi so với năm 2007. Bên cạnh đó là tình trạng thất nghiệp tràn lan, hiện lên tới 22%, và kinh tế èo uột. Quý 3 vừa qua, GDP của Tây Ban Nha hoàn toàn không tăng trưởng so với quý 2, khiến người ta lo ngại nước này sẽ sớm rơi vào suy thoái. Chưa hết, Tây Ban Nha còn chứng khiến khoản thâm hụt ngân sách lên tới 10% GDP hồi năm ngoái.

Hiện Ý và Tây Ban Nha vẫn đang cố “tự lực cánh sinh”. Tuy nhiên, nếu hai nước này mất khả năng thanh toán thì hậu quả sẽ khôn lường bởi qui mô kinh tế Ý gấp 3 lần Ireland, Bồ Đào Nha và Hy Lạp gộp lại, còn Tây Ban Nha cũng lớn gấp đôi. Mà thuyền to thì sóng lớn. Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế đến nay đã chi 368 tỉ euro để cứu Ireland, Hy Lạp và Bồ Đào Nha, nhưng chắc chắn họ khó mà kham nổi khoản nợ công lên tới 1.900 tỉ euro của đất nước hình chiếc ủng và 700 tỉ euro của xứ sở bò tót.

LÊ DÂN

Chia sẻ bài viết