Thủ tướng Nga Vladimir Putin hôm 28-12 tuyên bố kế hoạch phòng thủ tên lửa của Mỹ là trở ngại chính trong việc ký kết thỏa thuận cắt giảm kho vũ khí hạt nhân thay thế cho Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược năm 1991 (START I). “Vấn đề là gì? Vấn đề là các bạn Mỹ của chúng ta đang xây dựng một lá chắn tên lửa, trong khi chúng ta thì không có cái nào”, hãng tin Anh Reuters trích lời Putin phát biểu khi được hỏi về trở ngại chính trong cuộc đàm phán.
Trong cuộc họp báo trước chuyến công tác tại thành phố Vladivostok thuộc miền Viễn Đông của Nga ngày 28-12, Thủ tướng Vladimir Putin tuyên bố Mát-xcơ-va sẽ phát triển một loại hệ thống các tên lửa hạt nhân tấn công tiên tiến mới nhằm làm đối trọng với hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ tại châu Âu. Ông Putin cho rằng “bằng việc xây dựng một lá chắn tên lửa, người Mỹ có thể cảm thấy được bảo vệ trọn vẹn và sẽ làm bất cứ điều gì họ muốn, như vậy sẽ phá vỡ thế cân bằng”.
Cần nhắc lại hồi tháng 9 vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã quyết định hủy bỏ kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tại Ba Lan và CH Czech do chính quyền George Bush lập ra và nhận được sự hoan nghênh của ông Putin. Tuy nhiên, thời gian gần đây có nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ vẫn đang đẩy nhanh kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa tại châu Âu với những mục tiêu không hề thay đổi. Thay vì chỉ lắp đặt 10 bệ phóng tên lửa tại Ba Lan và một trạm radar ở CH Czech như kế hoạch ban đầu của chính quyền Bush, ông Obama đã phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa cả trên mặt đất lẫn dưới biển tại nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có hai nước Trung Âu kể trên.
Đặc phái viên Rupert Wingfield-Hayes của hãng tin Anh BBC tại Mát-xcơ-va nhận định rằng tuyên bố cứng rắn của Thủ tướng Putin chẳng qua là một “thủ thuật ngoại giao” trên bàn thương lượng, chứ không phải là một sự thay đổi thái độ của Nga trong vấn đề xây dựng thỏa thuận thay thế START I đã hết hiệu lực kể từ ngày 5-12-2009. Đối với Nga, cắt giảm kho vũ khí hạt nhân phải đồng thời đảm bảo rằng nước này không bị Mỹ qua mặt về các loại vũ khí chiến lược khác. Trong khi đó, phía Mỹ nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của họ tại châu Âu là một vấn đề an ninh khác cần được thảo luận riêng, chứ không nằm trong hiệp ước cắt giảm vũ khí hạt nhân mới.
Nga và Mỹ đã ký kết bản ghi nhớ hồi tháng 7 năm nay, theo đó mỗi nước sẽ cắt giảm 1/3 lượng vũ khí hạt nhân được triển khai, xuống dưới mức 1.700 đầu đạn hạt nhân trong vòng 7 năm tới. Dù hai bên vẫn còn duy trì một số lượng vũ khí hạt nhân đủ sức hủy diệt nhiều lần hành tinh này, nhưng đây là mức cắt giảm rất lớn so với thỏa thuận cắt giảm đạt được từ thời Chiến tranh lạnh. Các nhà phân tích cho rằng việc hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới này hợp tác cắt giảm vũ khí hạt nhân sẽ góp phần cải thiện quan hệ giữa hai nước, đồng thời thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa thế giới như mong ước của nhân loại.
Thế nhưng, khi START I đã hết hiệu lực mà hiệp ước mới vẫn chưa ra đời, dư luận có quyền cho rằng Nga và Mỹ vẫn đang nghi kỵ và tìm cách khống chế nhau. Xem ra, trong tình hình này, các nhà đàm phán hạt nhân của hai bên khó có khả năng đạt được hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới vào tháng Giêng năm 2010 như họ dự kiến ban đầu.
KIẾN HÒA
(Theo AP, AFP, Reuters, BBC)