02/11/2013 - 20:22

Kiểm soát thiệt hại

Ngoại trưởng John Kerry đối diện nhiều thách thức tại nước ngoài. Ảnh: AFP 

Ngoại trưởng John Kerry hôm nay 3-11 bắt đầu chuyến công du 9 ngày qua 9 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm Ai Cập, Arabie Séoudite, Ba Lan, Israel, Palestine, Jordanie, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE), Algérie và Ma-rốc. Hãng tin Mỹ AP nhận định chuyến đi này của ông Kerry là gánh vác "sứ mạng kiểm soát thiệt hại" sau những động thái ngoại giao mới gây mất lòng một vài đồng minh chiến lược tại Trung Đông của Nhà Trắng.

Những vấn đề trọng tâm của ông Kerry là tại Cairo và Riyadh. Sự hiện diện lầu đầu tiên của Ngoại trưởng Mỹ tại Ai Cập kể từ khi Tổng thống Mohamed Mursi bị quân đội phế truất giữa lúc quan hệ ngoại giao hai nước đang căng thẳng vì bất đồng chính kiến, đặc biệt khi tòa án quân sự Ai Cập sẽ bắt đầu xét xử ông Mursi từ ngày 4-11. Washington cáo buộc Cairo quá mạnh tay trấn áp đẫm máu dòng người biểu tình ủng hộ phong trào Huynh đệ Hồi giáo và đòi phục chức cho ông Mursi, đồng thời quyết định hoãn cung cấp vũ khí và gói viện trợ tiền mặt 260 triệu USD cho đồng minh Ai Cập. Đáp lại, nước này đã cử hai đoàn ngoại giao và tình báo cấp cao sang Nga "xin cầu viện". Báo chí Ai Cập cho biết Cairo muốn mua chiến đấu cơ MiG-29 và các thiết bị quân sự khác của Mát-xcơ-va, trong đó Riyadh cam kết là "nhà tài trợ chính" cho kế hoạch trị giá lên đến 15 tỉ USD này. Được biết, Tổng thống Vladimir Putin và lãnh đạo Ai Cập Abdel-Fattah el-Sissi đang chuẩn bị sớm có một cuộc gặp thượng đỉnh dù chưa xác định địa điểm.

Còn nhớ là Arabie Séoudite, một đồng minh trọng yếu của Mỹ tại Trung Đông, đã "trở mặt" khi từ chối nhận ghế ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để phản đối Mỹ tạm dừng viện trợ quân sự cho Ai Cập, xúc tiến cải thiện quan hệ với Iran, từ bỏ kế hoạch không kích Syrie và thất bại trong tiến trình hòa đàm giữa Israel và Palestine. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki tuyên bố trong chuyến thăm Riyadh lần này, Ngoại trưởng Kerry "muốn tái khẳng định tính chất chiến lược của mối quan hệ Mỹ-Arabie Séoudite, đồng thời nói lên tầm quan trọng của việc hai nước phải hợp tác đối phó những thách thức chung và vai trò thủ lĩnh của Arabie Séoudite tại khu vực".

Nhiệm vụ khó khăn tiếp theo của ông Kerry là tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh Trung Đông đối với cuộc đàm phán giải quyết cuộc xung đột tại Syrie và vấn đề hạt nhân gây tranh cãi của Iran bằng con đường phi vũ lực. Tuy nhiên, tiếng nói và vai trò trung gian hòa giải của Kerry bị cho là "có vấn đề" khi ông đã nhiều lần không thể thuyết phục đồng minh "cật ruột" nhất Israel từ bỏ chính sách định cư tại các vùng đất chiếm đóng của người Palestine để tiến tới một thỏa thuận cùng chung sống hòa bình giữa nhà nước Do Thái và nhà nước Palestine độc lập.

KIẾN HÒA

Chia sẻ bài viết