Kết quả cuộc bỏ phiếu tổng thống vòng hai tại Roumanie hôm 16-11 cho thấy, ông Klaus Iohannis, Thị trưởng thành phố Sibiu - thủ phủ vùng Transylvania, đã đắc cử với 54,8% số phiếu ủng hộ, so với 45,2% của Thủ tướng Victor Ponta. Đây là chiến thắng bất ngờ của thủ lĩnh đảng Dân tộc-Tự do, một người gốc Đức thiểu số tại Roumanie. Tại vòng đầu, nhà lãnh đạo 55 tuổi này chỉ giành được 30% số phiếu, kém vị thủ tướng 42 tuổi thuộc liên minh Dân chủ Xã hội cầm quyền tới 10% số phiếu.
Thắng lợi của ông Iohannis được cho là nhờ sự hậu thuẫn đông đảo của cử tri ở hải ngoại và hai đảng trung hữu đối lập với liên minh cầm quyền của Thủ tướng Ponta. Ông sẽ trở thành vị nguyên thủ quốc gia thứ năm của Roumanie, thay thế Tổng thống sắp hết nhiệm kỳ 5 năm lần hai, ông Traian Basescu.
Vị thế tổng thống ở quốc gia Đông Âu này rất có thực quyền khi phụ trách các vấn đề quốc phòng, đối ngoại, được bổ nhiệm các chức danh công tố chủ chốt và giám đốc các cơ quan tình báo. Với quyền lực của mình, Tổng thống Basescu đã nhiều lần “đụng độ” với Thủ tướng Ponta trong hàng loạt quyết sách dẫn đến cái gọi là “cuộc khủng hoảng thể chế” ở Roumanie.
Mặc dù thất bại trong cuộc bầu cử lần này nhưng ông Ponta bác bỏ khả năng từ chức Thủ tướng. Theo ông Ponta, liên minh Dân chủ xã hội sẽ vẫn nắm quyền cho đến khi cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào năm 2016. Cho nên, tổng thống mới của Roumanie được dự báo sẽ tiếp tục đối mặt với quốc hội do phe của thủ tướng đương quyền kiểm soát và có thể gây ra những rắc rối, căng thẳng chính trị khi đề xuất các quyết sách điều hành đất nước.
Tuy nhiên, dư luận đánh giá nếu không có sự kiềm chế của Tổng thống Basescu thì Thủ tướng Ponta có thể siết chặt kiểm soát chính trị đối với cơ quan công tố, tư pháp và phương tiện truyền thông. Chính ông Basescu đã bổ nhiệm một quan chức chống tham nhũng quốc gia dẫn tới nhiều vụ “ngã ngựa” của các quan tham, kể cả cựu Thủ tướng Adrian Nastase, người cùng phe phái chính trị với ông Ponta.
Chiến thắng của ông Iohannis có thể là thông điệp kiềm chế quyền lực của cử tri Roumanie, qua đó buộc Thủ tướng Ponta chấp nhận đàm phán và thỏa hiệp chính trị trong việc giải quyết các vấn đề cấp thiết của một trong những quốc gia châu Âu nghèo khó nhất này, đặc biệt là vấn nạn tham nhũng và trốn thuế tràn lan.
KIẾN HÒA (Theo Reuters, AP, AFP)