19/09/2008 - 09:06

Khủng bố lộng hành ở Yemen

Hiện trường vụ đánh bom trước Đại sứ quán Mỹ ở Sanaa hôm 17-9. Ảnh: Reuters

Vụ tấn công tinh vi bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại Thủ đô Sanaa làm 16 người chết hôm 17-9 khiến nhiều người lo ngại rằng sức mạnh của lực lượng Hồi giáo cực đoan ở Yemen đang gia tăng, và nước này có thể trở thành “đại bản doanh” của chủ nghĩa khủng bố.

Một nhóm tự xưng là “Hồi giáo Jihad” tại Yemen (không có liên hệ với tổ chức cùng tên ở Palestine) đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên. Tuy nhiên, theo các quan chức Yemen, đây là hành động trả đũa của mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda, sau khi lực lượng an ninh nước này tiêu diệt 5 phần tử tình nghi thuộc Al Qaeda và bắt hơn 30 tên khác hồi tháng 7.

Yemen được coi là “cái nôi” của Al Qaeda bởi trùm khủng bố Osama bin Laden xuất thân từ một gia đình có gốc gác ở nước này. Đây cũng là nơi Al Qaeda đặt một số trại huấn luyện hồi cuối thập niên 1990. Vụ đánh bom tàu khu trục USS Cole ngoài khơi Vịnh Aden của Yemen làm 17 thủy thủ thiệt mạng vào năm 2000 là một trong những cuộc tấn công gây thiệt hại nhất cho Mỹ trước vụ khủng bố ngày 11-9-2001. Tháng 3 và 4 năm nay, Đại sứ quán Mỹ từng bị tấn công bằng súng cối và phủ Tổng thống Yemen cũng hứng chịu 2 cuộc tấn công của các phần tử cực đoan.

Trong số 270 nghi can khủng bố đang bị Mỹ giam giữ tại nhà tù Guantanamo thì có tới 108 người Yemen. Tổng thống George Bush từng có ý định trao trả hàng chục tù nhân trong số đó cho Yemen, nhưng không nhận được sự đảm bảo từ chính quyền Sanaa rằng những người này sẽ tiếp tục bị quản thúc. Washington cũng bực dọc về chính sách giam cầm lỏng lẻo của Yemen. 17 nghi can trong vụ đánh bom tàu USS Cole bị bắt giam, nhưng có tới 11 tên trốn thoát vào năm 2003 và 2004, trong đó có Jamal al-Badawi, một trong những kẻ chủ mưu. Tháng 2-2006 lại xảy ra vụ 23 phần tử cực đoan đào hầm trốn khỏi một nhà tù ở Yemen và gây ra làn sóng bạo lực mới.

Trong cuộc chiến chống khủng bố, bên cạnh việc chính quyền Tổng thống Ali Abdullah Saleh bị coi là quá yếu, hệ thống cơ cấu xã hội bộ tộc ở Yemen cũng là một trở ngại. Các bộ tộc đều muốn cát cứ và điều đó gây ra sự hỗn loạn tại nhiều khu vực, là điều kiện thuận lợi cho khủng bố hoạt động. Đa phần trong số 22 triệu dân Yemen sống trong nghèo đói và thất học nên rất dễ bị Al Qaeda lôi kéo. Trong khi đó, hiện đang có cuộc di cư của các phần tử “thánh chiến” từ Arabie Séoudite sang Yemen để lánh nạn. Theo Giáo sư Hasan Zaarour tại Đại học Liban ở Beirut, do giáp với Arabie Séoudite và nằm bên bờ Đông sông Bab Al-Mandab, luồng kiểm soát lối vào kênh đào Suez, nên Yemen còn được xem là một “điểm đến” trong kế hoạch thay đổi địa bàn hoạt động của Al Qaeda.

N.MINH (Theo AP, BBC, Saba)

Chia sẻ bài viết