27/06/2012 - 09:37

Eurozone trong tâm bão tài chính

Khó khăn mới với Hy Lạp

Tân Thủ tướng Antonis Samaras (trái) và Bộ trưởng Tài chính mới được chỉ định
Vassilis Rapanos. Ảnh: EPA

Tân Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Vassilis Rapanos hôm 25-6 đã đệ đơn xin từ chức vì lý do sức khỏe, tạo nên “cú sốc” mới trên chính trường Hy Lạp vốn còn dư âm của cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài trong bối cảnh “cơn bão nợ công” đang tàn phá ngày càng nghiêm trọng xứ sở thần thoại này.

Rapanos, vốn Chủ tịch Ngân hàng Quốc gia Hy Lạp, đã phải nhập viện hôm 22-6 vì bị đau bụng dữ dội, nôn mửa và chóng mặt. Sự cố này xảy ra khi chỉ còn vài ngày nữa là ông chính thức tuyên thệ nhậm chức. Giới truyền thông Hy Lạp cho biết vị tân bộ trưởng tài chính 64 tuổi đã có nhiều vấn đề về sức khỏe trước đó. Bệnh viện Hygeia (nơi điều trị cho ông Rapanos) cho biết hiện sức khỏe của ông Rapanos đang dần hồi phục và có thể xuất viện trong ngày 27-6, nhưng không cung cấp cụ thể về tình trạng bệnh tình của ông Rapanos.

Thủ tướng Hy Lạp Antonis Samaras đã chấp thuận đơn xin từ chức của ông Rapanos chỉ vài giờ sau khi bản thân ông cũng vừa được xuất viện tại một bệnh viện khác, sau khi trải qua một ca phẫu thuật để điều trị một tổn thương ở võng mạc cuối tuần qua. Thủ tướng Samaras vẫn phải tịnh dưỡng tại nhà trong vài ngày tới, đồng thời được yêu cầu không di chuyển bằng máy bay hoặc thực hiện các chuyến đi xa. Cùng vì lý do sức khỏe mà trước đó cả ông Samaras và ông Rapanos đã tuyên bố không thể tham dự Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), dự kiến diễn ra ở Brussels (Bỉ) trong 2 ngày 28 và 29-6 tới.

Hội nghị EU lần này được coi là hy vọng cuối cùng giúp Athens tái thương thảo một số biện pháp “thắt lưng buộc bụng” mà Hy Lạp đã phải chấp nhận để đổi lấy hàng tỉ euro trong khoản vay cứu trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các quốc gia khác của EU. Vì thế, theo hãng tin Anh Reuters, văn phòng chính phủ Hy Lạp ngày 26-6 đã lập tức thông báo chỉ định giáo sư kinh tế của Đại học Athens, Yannis Stournaras, là người sẽ thay thế ông Rapanos. Ông Stournaras, 55 tuổi, là nhà kinh tế đáng kính có biệt danh “Ngài Euro” vì từng giữ vai trò trưởng cố vấn kinh tế của chính phủ Hy Lạp trong quá trình đàm phán gia nhập Eurozone năm 2001.

Hy Lạp vẫn đang phải đối mặt với sức ép to lớn của các chủ nợ, yêu cầu nước này tiếp tục các biện pháp nhằm làm “lành mạnh nền tài chính công”, bất chấp làn sóng phản đối ngày càng tăng của dân chúng trong nước. Hiện khoảng 1/4 dân số ở độ tuổi lao động của Hy Lạp đang trong tình cảnh thất nghiệp. Theo bản ghi nhớ ký kết giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế để đổi lấy gói cứu trợ thứ hai, nước này sẽ phải cắt giảm 150.000 lao động trong lĩnh vực công, trong đó 15.000 trong năm nay.

Theo một tài liệu chính thức công bố hôm 23-6, chính phủ liên minh mới của Hy Lạp yêu cầu kéo dài thời hạn thêm ít nhất 2 năm để thực hiện kế hoạch thắt lưng buộc bụng mà nước này phải thực hiện để đổi lấy sự hỗ trợ của EU và IMF. Mục đích là nhằm đạt được mục tiêu cắt giảm thâm hụt ngân sách mà không phải thực hiện thêm bất kỳ biện pháp cắt giảm lương, trợ cấp hay đầu tư công nào nữa.

Nhưng xem ra ý định ấy nay phải tạm hoãn lại. Các vấn đề về sức khỏe của cả Thủ tướng Samaras và Bộ trưởng Rapanos cũng đã khiến cho cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa chính phủ mới thành lập ở Hy Lạp với các thanh tra viên của “bộ ba cho vay” gồm EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF bị hủy bỏ, dù đã lên lịch trình bắt đầu vào hôm 25-6. Trước mắt, thời điểm mới cho chuyến viếng thăm của các thanh tra viên vẫn chưa được ấn định lại.

Cùng với việc không có một báo cáo nào từ các thanh tra viên về tình hình cải cách kinh tế theo yêu cầu từ các nhà cho vay, Đức đã lên tiếng cho rằng sẽ là quá sớm để Hy Lạp có thể hy vọng một quyết định mới từ các nhà cho vay. “Các thanh tra viên cần phải đến Athens, họ cần phải đánh giá được tình trạng của chương trình, sau đó báo cáo lại cho các nước thuộc Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và lãnh đạo IMF”- Steffen Seibert, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Angela Merkel, cho biết.

THÁI THANH (Theo AP, Reuters) 

Thêm thành viên của Eurozone yêu cầu cứu trợ

Ngày 25-6, Cộng hòa Síp đã trở thành thành viên thứ 5 của Eurozone đề nghị một gói cứu trợ từ phía các đối tác trong liên minh tiền tệ này nhằm giúp vực dậy hệ thống ngân hàng đang rơi vào tình trạng khốn đốn. Chính quyền CH Síp cho biết họ phải yêu cầu cứu trợ do “các ảnh hưởng tiêu cực trong lĩnh vực tài chính của mình cũng như bị tác động lớn từ nền kinh tế Hy Lạp” vì các ngân hàng của đảo Síp là những đối tượng nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ Hy Lạp. Trước CH Síp, 4 thành viên Eurozone (hiện có 17 thành viên) đã phải xin cứu trợ là Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha.

Trong khi đó, Pháp, nền kinh tế lớn thứ hai trong EU ngày 25-6 cũng thông báo cần 10 tỉ euro nhằm giảm mức thâm hụt ngân sách nhà nước xuống 4,5% GDP.

Tân Thủ tướng Antonis Samaras (trái) và Bộ trưởng Tài chính mới được chỉ định Vassilis Rapanos. Ảnh: EPA

Chia sẻ bài viết