09/05/2021 - 18:55

Khó bỏ bản quyền vaccine COVID-19 

Hơn 100 quốc gia thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), trong đó có cả Mỹ, ủng hộ đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 để chung tay vượt qua đại dịch. Tuy nhiên, bên cạnh sự phản đối quyết liệt từ các hãng dược phương Tây, thì bản thân Washington cũng phân vân vì lo ngại Trung Quốc sẽ đắc lợi từ động thái này.

Vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech sử dụng công nghệ mới mRNA.

Vaccine COVID-19 của Pfizer/BioNTech sử dụng công nghệ mới mRNA.

Theo Hãng tin Anh Reuters, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang cân nhắc làm sao để việc bỏ bản quyền vaccine sẽ mang lại lợi ích cho các nước nghèo nhưng không trao công nghệ sinh dược nhạy cảm cho Trung Quốc. Nhiều tập đoàn dược của Mỹ và không ít quan chức Nhà Trắng lo ngại Trung Quốc có thể lợi dụng cơ hội này để  “nhảy cóc” nhiều năm và làm xói mòn lợi thế cạnh tranh của Mỹ trong ngành sinh dược. Theo một tài liệu mà Reuters tiếp cận được, chính quyền Biden tin tưởng có thể giải tỏa quan ngại trên thông qua các cuộc đàm phán tại WTO, nhưng dự kiến kéo dài đến hàng tháng. Thật ra, bản thân các cơ quan trong chính quyền Mỹ cũng có quan điểm trái ngược nhau về cách thức ngăn Bắc Kinh đắc lợi từ việc đình chỉ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine.

Theo các nhà phân tích, việc hạn chế sử dụng công nghệ, một khi đã trao quyền, là rất khó khăn. Công nghệ mRNA của 2 hãng Pfizer và Moderna (đều của Mỹ) là công nghệ sinh dược mới phát triển có tiềm năng không chỉ trong việc chế tạo vaccine COVID-19 mà còn trong nhiều sản phẩm khác. Hiện Trung Quốc và Nga đều có thể tự sản xuất vaccine nhưng không sử dụng công nghệ tiên tiến này. “Pfizer và Moderna phải mất rất nhiều năm nghiên cứu để có thể phát triển những vaccine này. Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và Nam Phi cùng những nước khác đều muốn tiếp cận nó. Mục tiêu của họ là sở hữu công nghệ nền để từ đó phát triển các loại vaccine khác”, Gary Locke - cựu Đại sứ  Mỹ tại Trung Quốc cũng từng là Bộ trưởng Thương mại, cảnh báo (Ấn Độ và Nam Phi là 2 quốc gia khởi xướng việc bỏ bản quyền vaccine COVID-19).

Trung Quốc đặt kỳ vọng rất lớn vào ngành công nghiệp dược và đang tìm cách phát triển vaccine dựa trên công nghệ mRNA. Chẳng hạn Công ty Fosun Pharma của nước này đã đạt được thỏa thuận hợp tác sản xuất vaccine với Hãng dược Đức BioNTech với hy vọng ít nhiều tiếp cận được công nghệ mới. BioNTech trước nay liên doanh với Pfizer chế tạo vaccine COVID-19, sản phẩm đang được sử dụng rộng rãi ở các nước giàu và được đánh giá là vaccine hiệu quả hàng đầu thế giới trong việc ngăn ngừa SARS-CoV-2.

EU không ủng hộ

Ngày 8-5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen thông báo lãnh đạo các nước thành viên EU tạm thời chưa đưa ra quyết định về vấn đề tạm miễn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với các loại vaccine COVID-19.

Phát biểu với báo giới sau hội nghị thượng đỉnh EU tại Porto (Bồ Đào Nha), Chủ tịch von der Leyen đánh giá đây là một chủ đề quan trọng nhưng cần được bàn bạc trong dài hạn, không thể trong trung hay ngắn hạn. Theo bà, châu Âu cần tập trung vào những vấn đề cấp bách cơ bản hiện nay gồm sản xuất càng nhiều vaccine càng tốt, đảm bảo phân phối một cách công bằng và khách quan. Tính đến ngày 8-5, khoảng 400 triệu liều vaccine COVID-19 đã được sản xuất tại EU và 50% trong số đó được xuất khẩu ra 90 quốc gia trên thế giới. Bà von der Leyen mong muốn các nhà sản xuất vaccine khác cũng sẽ làm điều tương tự đồng thời nhấn mạnh trong ngắn hạn, đây là cách tốt nhất để tháo gỡ vấn đề thiếu nguồn cung và phương thức phân phối vaccine một cách công bằng trên toàn cầu.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết