 |
Tổng thống Sarkozy (trái) và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul tới họp báo tại Phủ Tổng thống ở Ankara hôm 25-2. Ảnh: EPA |
Lần đầu tiên kể từ khi nhậm chức năm 2007, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy vừa có chuyến thăm chính thức tới Thổ Nhĩ Kỳ hôm 25-2. Tuy nhiên, báo giới nước ngoài cho rằng ông chủ Điện Elysée thực hiện động thái này khá khiên cưỡng và dường như bị buộc phải làm vậy.
Trong chuyến đi này, ông Sarkozy đã gặp Tổng thống Abdullah Gul và Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan nhằm trao đổi những vấn đề đang lo ngại của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20 - hiện do Pháp giữ chức chủ tịch), tiến trình gia nhập Liên minh châu Âu (EU) của Thổ Nhĩ Kỳ... Vấn đề thứ hai khá nhạy cảm bởi Pháp đang dẫn đầu nhóm các nước phản đối Ankara gia nhập EU. Hai ngày trước khi đến Ankara, ông Sarkozy đã tái khẳng định lập trường của mình khi phát biểu trên một tờ báo của Thổ Nhĩ Kỳ rằng các cuộc thảo luận về tiến trình việc nước này gia nhập EU chỉ đơn thuần là một cách làm sâu sắc quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Sarkozy nhiều lần nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không thuộc về châu Âu, dựa trên thực tiễn kinh tế và văn hóa, cũng như đơn thuần về địa lý. Cuộc khủng hoảng nợ ở châu Âu thời gian qua càng khiến Pháp củng cố lập trường phản đối Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Các quan chức Pháp cho rằng với sự hiềm khích giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp trong quá khứ, một khi Ankara có tiếng nói trong EU thì thỏa thuận giải cứu Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ sẽ không thể đạt được. Quyết định của Paris về việc “miễn bàn” 5 trong số 35 vấn đề đàm phán gia nhập EU của Ankara, đã góp phần làm giảm sự ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối này, từ trên 70% năm 2004 xuống còn khoảng 30% hiện nay.
Về phía Thổ Nhĩ Kỳ, các quan chức trong chính phủ từ Thủ tướng Erdogan cho đến các quan chức đều tỏ rõ sự tức giận về đề nghị thực hiện chuyến thăm quá ngắn và “cấp thấp” của ông Sarkozy. Đề xuất ban đầu từ Điện Elysée là Tổng thống Sarkozy sẽ ở lại Ankara khoảng 4 giờ, và ông thực hiện chuyến thăm không với tư cách Tổng thống Pháp mà là chủ tịch G20. Lâu nay, phía Thổ Nhĩ Kỳ vẫn nỗ lực thuyết phục ông Sarkozy có chuyến thăm chính thức vài ngày, để họ có thể cho ông “mục sở thị” sự phát triển của đất nước nằm giữa Âu và Á. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người của Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 1980, lên 13.300 USD, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), chứ kinh tế không còn yếu kém như lúc ông Sarkozy du lịch tới đây năm 18 tuổi (thập niên 1970). Cuối cùng, hai bên nhất trí chuyến công du của ông Sarkozy diễn ra trong 5 giờ rưỡi và phu nhân Carla Bruni sẽ không tháp tùng.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Pháp AFP, Thủ tướng Erdogan nói rằng: “Tôi nghĩ đây không phải là chuyến thăm hữu nghị giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp. Thổ Nhĩ Kỳ và mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ Pháp xứng đáng được nhiều hơn thế”. Ông Erdogan cũng trách Tổng thống Sarkozy tới Thổ Nhĩ Kỳ quá muộn màng. Trong khi đó, giáo sư Sedat Laciner, Tổng điều phối viên của Tổ chức nghiên cứu chiến lược quốc tế (USAK) cho rằng những chuyến thăm kiểu này thường nhằm mục đích phát triển quan hệ giữa hai nước, nhưng sự khiên cưỡng sẽ hủy hoại chứ không giúp tăng cường mối quan hệ song phương.
NGUYỄN HOÀNG (Theo WSJ, THX, Reuters)