11/04/2020 - 06:17

Khi trẻ ở nhà... 

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, trường học tạm đóng cửa từ sau Tết Nguyên đán. Bên cạnh chuyện gửi con ở đâu, nhiều bậc phụ huynh đau đầu tìm giải pháp để con đảm bảo việc học và chơi thích hợp tại nhà.

Mệt mỏi với đám "giặc nhí"

Các trò chơi dân gian có thể giúp con giải trí lành mạnh, giúp con hạn chế xem điện thoại di động và máy tính.

Cùng sống chung và mấy đứa con của anh, em chị Nguyễn Thị Huyền, ở phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, đều là con trai, trạc 8-9 tuổi nên mấy tháng qua, đại gia đình chị luôn rộn rã suốt ngày. Không phải là tiếng cười giỡn, rượt đuổi của mấy đứa nhỏ thì là tiếng rầy của ông bà và ba mẹ vì hết chịu nổi độ hiếu động, quậy phá của đám "giặc nhí". Đổ đống đồ chơi ghép hình, lắp ráp, robot... ra hiên nhà cho 4 đứa nhỏ chụm đầu vào chơi sau khi ngủ trưa dậy, chị Huyền chia sẻ: "Bình thường, tụi nhỏ đi học, nhà vắng hoe, nhiều khi ông bà than buồn. Đợt này, mấy đứa nhỏ nghỉ học kéo dài, trong khi anh chị em tôi vẫn phải đi làm nên ông bà được dịp nếm cảm giác "ngán tận cổ" với mấy đứa nhỏ. Ăn uống mỗi đứa một nết, một sở thích; lại thường xuyên đòi ông bà cho chơi game trên điện thoại di động... Biết tác hại của điện thoại thông minh nên ông bà chỉ cho các cháu xem hạn chế".

Chị Nguyễn Thị Huệ, ngụ phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt cũng đau đầu với cậu con trai 8 tuổi mê xem phim hoạt hình trên điện thoại di động. Để khuyến khích con đọc sách và làm bài tập thầy cô giao, chị Huệ ra điều kiện: Làm bài tập xong mới cho xem phim hoạt hình 30 phút. Con chị "chấp" mẹ, ngồi vào bàn làm qua loa, chưa đầy 15 phút là xong. Chị Huệ kiểm tra bài không đạt, không đưa điện thoại thì con khóc la lớn tiếng, dằn dỗi... Cha mẹ chị Huệ thấy vậy xót cháu lại can thiệp, chị phải chiều con.

Với con gái, có vẻ dễ thở hơn nhưng không vì vậy mà các bậc phụ huynh bớt lo lắng. Chồng chị Bích Ngân, ở phường Trà Nóc, thường xuyên đi công tác vắng nhà, chị mua bán, phải đi giao hàng cho khách. Hằng ngày, cô con gái 10 tuổi ở nhà một mình chỉ còn cách xem ti vi cho đỡ buồn. Tuy nhiên, xem nhiều chương trình không chọn lọc, con tiếp thu những điều không phù hợp với độ tuổi. Những thắc mắc của con về tình yêu nam nữ và đời sống vợ chồng khiến chị nhiều lần sửng sốt.

Phụ huynh "tung chiêu"

Trên các hội nhóm của các bà mẹ, nhiều chị em tư vấn ý tưởng cùng học và chơi với con, nhưng đa số đều thống nhất hạn chế tối đa việc cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh hay máy vi tính vào việc giải trí. Ngoài thời gian dành cho bài vở tại bàn học, tùy vào độ tuổi và sở thích của bé, các chị chọn trò chơi và cách giải trí kết hợp học kỹ năng, bổ sung kiến thức thích hợp cho con: vẽ tranh, tô màu, sáng tạo đồ chơi với vật dụng tái chế, dựng nhà chòi, nấu ăn, nặn đồ chơi, tập gõ máy tính bằng 10 ngón tay, học tiếng Anh qua âm nhạc hoặc phim hoạt hình, nhảy múa,... Nhiều mẹ còn bày trò chơi "sặc mùi dì ghẻ" như lựa đậu hay đếm hạt gạo khiến cả nhà được phen cười ra nước mắt nhưng ai nấy đều hí hửng vì tạm "bó tay bó chân" được các siêu quậy trong một thời gian nhất định.

Mấy tháng nay, mỗi ngày, trước khi đi làm, chị Nguyễn Thị Hợi, ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy chuẩn bị sẵn đồ ăn rồi phân công công việc cho 2 con gái, 1 đứa 12 tuổi và 1 đứa 6 tuổi: phơi quần áo, lau, quét nhà và học, làm bài theo hướng dẫn của giáo viên đã được chị in sẵn ra giấy. Chị Hợi còn phân công buổi trưa, chị Hai có nhiệm vụ đọc truyện cho em nghe trước khi ngủ và xế chiều thì chơi cầu lông trước sân nhà. Buổi tối, 2 con gái của chị mới được xem tivi. Để tránh gây cảm giác nhàm chán và tù túng cho 2 con vì phải ở nhà suốt, chị Hợi mua vải về cho các con may váy cho búp bê rồi còn tập làm đồ buộc tóc, thỉnh thoảng, chị còn dạy các con làm mấy món ăn đơn giản. Bao nhiêu việc đó đã đủ để các con chị bỏ qua điện thoại di động và vơi bớt nỗi buồn không được đến lớp.

Chị Bích Ngân thì chọn cách gửi con ở tạm nhà anh ruột ở quê một thời gian, nhờ anh chị chăm sóc và để con có không gian tránh dịch an toàn, lành mạnh với nhiều trò chơi sáng tạo từ cây cỏ, hoa lá với các con của anh chị. Còn chị Huệ, qua góp ý của bạn bè đồng nghiệp, chị nhỏ to tâm sự với cha mẹ, để cha mẹ ủng hộ việc "cai nghiện" điện thoại cho con. Vài ngày đầu, chị mở cho con xem các đoạn phim nói về tác hại của việc xem điện thoại để con biết sợ. Sau đó, chị hướng dẫn và khuyến khích con trai phụ làm việc nhà, làm bài tập kèm phần thưởng là món ăn ngon hay một món đồ chơi thích hợp. Chị khéo léo nhờ cô giáo hỗ trợ, thỉnh thoảng cho con trò chuyện qua cuộc gọi video, để được nghe cô khen khi làm bài tốt hoặc ngoan ngoãn phụ giúp mẹ và ông bà ngoại. Chị còn học hỏi và cùng con làm đồ chơi với chai nhựa, giấy màu, thùng giấy, dạy con cách trồng và chăm sóc rau,…

Học và chơi với con thật sự không hề dễ. Nhưng với tình yêu thương, sự nhẫn nại và chịu khó học hỏi, áp dụng các phương pháp phù hợp, các gia đình sẽ cùng con vượt qua dịch COVID-19 an toàn, vui vẻ.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết