25/03/2019 - 09:24

Khi tiện dân thách thức Thủ tướng Modi 

Trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Ấn Ðộ, Chandrashekhar Azad, một chính trị gia trẻ tuổi thuộc tầng lớp Dalit (tiện dân) - tầng lớp thấp kém nhất - được cho sẽ tạo “sóng gió” khi tham gia tranh cử tại Varanasi, thành phố trung tâm của người Hindu giáo tại bang Uttar Pradesh, quê hương Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi.

Ông Azad phát biểu trước những người ủng hộ hôm 15-3. Ảnh: BBC

Hôm 15-3, Azad đã có bài phát biểu trước hàng ngàn người ủng hộ ở Thủ đô New Delhi. BBC cho biết, khi xe của vị luật sư đến Phố Quốc hội, những người ủng hộ ông vẫy những lá cờ màu xanh và hô vang “Jai Bhim, Jai Bhim”. Họ muốn ám chỉ Bhimrao Ambedkar, người anh hùng Ấn Độ và là biểu tượng của tầng lớp Dalit. Đám đông tụ tập từ sáng sớm. Nhiều người cho biết họ đã chờ hơn 5 tiếng để có thể gặp Azad. Khi ông ra khỏi xe, nhiều người đã cố gắng bắt tay và chụp ảnh selfie với ông. Họ nói rằng sẽ bỏ phiếu cho đảng hoặc ứng viên mà ông chọn.

Trước những tiếng hô vang từ người ủng hộ, Azad kêu gọi 200 triệu người Dalit bỏ phiếu chống lại Thủ tướng Modi và đảng Bharatiya Janata (BJP) cầm quyền. “Tôi sẽ đến Varanasi và tôi cần sự giúp đỡ của quý vị để có thể đánh bại ông Modi. Tôi sẽ đến đó bởi ông ta chống người Dalit. Ông ta phải biết rằng ông ta sẽ bị trừng phạt vì điều đó. Chúng ta sẽ cùng nhau viết nên tương lai cho Ấn Độ” - luật sư Azad tuyên bố.

Azad hiện là thủ lĩnh của Quân đội Bhim, một tổ chức của tầng lớp Dalit và tham gia tranh cử với tư cách ứng viên độc lập. Trong 3 năm qua, ông nổi lên như một biểu tượng của Dalit. Ông nói rằng sự tàn bạo đối với cộng đồng người Dalit tăng lên sau khi ông Modi lãnh đạo Ấn Độ từ năm 2014, đồng thời nhấn mạnh “thật ngu ngốc khi chúng ta bầu lại ông ta”. Ông tố Thủ tướng Modi nói dối khi tuyên bố những kẻ hiếp dâm sẽ bị treo cổ trong vòng 3 ngày nhưng khi một phụ nữ Dalit bị hãm hiếp, cảnh sát thậm chí còn không ngó ngàng đến khiếu nại của cô ta.

Con đường chính trị của Azad bắt nguồn từ sự phân biệt đẳng cấp mà ông, gia đình và cộng đồng “những người cùng khổ” Dalit phải đối mặt. Năm 2015, ông  lập ra Quân đội Bhim để chống lại sự áp bức giai cấp tại trường học, nơi các cậu bé người Dalit thường bị đánh đập vì uống nước hoặc không lau sạch băng ghế. Năm 2017, ông bị bắt và ngồi tù 16 tháng bởi Quân đội Bhim nhúng tay vào cuộc đụng độ dữ dội giữa người Dalit và giới thượng lưu Thakur ở Saharanpur, thành phố quê hương ông. Tuy nhiên, việc ông bị cầm tù không làm giảm đi sự tín nhiệm  mà càng khiến ông được cộng đồng ngưỡng mộ.

Xã hội Ấn Độ phân chia thành 4 đẳng cấp chính, cao nhất là Brahmin (tu sĩ), đứng sau lần lượt là Kshastriya (chiến binh), Vaishya (nhà buôn), Shudra (thợ thuyền, nông dân). Dưới cùng, nằm ngoài hệ thống đẳng cấp, là tầng lớp “Dalit”, có nghĩa là “bị áp bức” trong tiếng Phạn, một cổ ngữ Ấn Độ. Các đẳng cấp trên một thời gian dài coi người Dalit là “không đáng đụng tới”. Họ không muốn tiếp xúc và không chạm vào bất cứ vật gì người Dalit đã chạm vào, vì cho rằng người Dalit làm mọi thứ “vấy bẩn”. Vì quan niệm này, khoảng 200 triệu người Dalit ở Ấn Độ phải sống ngoài lề xã hội. Ấn Độ đã cấm phân biệt đẳng cấp từ năm 1955, nhưng như đã nói ở trên, những hành vi phân biệt đối xử vẫn phổ biến.

Tuy vậy, tổng thống đời thứ 14 hiện nay của Ấn Độ  là ông Ram Nath Kovind, người thuộc tầng lớp Dalit. Ông Kovind là người Dalit thứ hai giữ ghế tổng thống quốc gia đông dân thứ hai thế giới, sau Tổng thống đời thứ 10 là K.R. Narayanan. Giới phân tích cho rằng việc BJP chọn ông Kovind làm tổng thống nằm trong chiến lược của Thủ tướng Modi là thu hút sự ủng hộ của cử tri Dalit.

TRÍ VĂN

Chia sẻ bài viết