 |
Thủ tướng Maliki (trái) gặp Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad hôm 18-10. Ảnh: AFP |
Nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giục các nước láng giềng giữ quan điểm trung lập với tất cả các chính đảng tại Iraq trong tiến trình thành lập chính phủ mới, Thủ tướng Nuri al-Maliki đang có chuyến thăm hàng loạt các quốc gia trong khu vực. Bắt đầu từ Jordanie hôm 17-10, ông Maliki sẽ lần lượt tới Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Syrie và đặc biệt được chú ý là chuyến thăm nhằm tranh thủ sự ủng hộ của phái Hồi giáo Shiite ở Iran ngày 18-10.
Ông Maliki đang vấp phải sự chống đối gay gắt từ đối thủ Ayad Allawi, cựu Thủ tướng đang lãnh đạo Liên minh Người Iraq, trong tiến trình thành lập chính phủ mới. Liên minh Người Iraq của ông Allawi (giành được 91 ghế, nhiều hơn Liên minh Nhà nước pháp quyền của ông Maliki hai ghế trong cuộc bầu cử hôm 7-3) đã tuyên bố không ủng hộ ông Maliki và đang đàm phán với Hội đồng Tối cao Hồi giáo Iraq, chính đảng Shiite lớn nhất Iraq.
Tuy nhiên, ông Maliki dường như đang tiến gần tới việc giành được thế đa số ở Quốc hội Iraq, sau khi tranh thủ được sự ủng hộ của một phái Shiite dưới vai trò trung gian của Tehran. Theo báo Guardian (Anh) ngày 17-10, Iran đã làm trung gian thỏa thuận giữa ông Maliki với giáo sĩ chống Mỹ đầy quyền lực của người Shiite ở Iraq là Muqtada al-Sadr, một đối thủ còn nhiều hiềm khích của ông Maliki, để hai bên chuyển thành đồng minh. Với 39 ghế đang nắm giữ, khối của giáo chủ Sadr đã giúp Liên minh Nhà nước Pháp quyền của Thủ tướng Maliki kết hợp với Liên minh Dân tộc Iraq của cựu Thủ tướng Ibrahim Jaafari tạo thành khối Liên minh Quốc gia (NA) lớn nhất với 159 ghế trong Quốc hội 325 ghế của Iraq. Vì vậy, vài giờ sau cuộc gặp với Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad tại Tehran hôm 18-10, ông Maliki đã tới thành phố Qom để gặp giáo sĩ Sadr.
Bên cạnh đó, theo báo Telegraph (Anh), tới Tehran, ông Maliki còn có thể giục Iran gây sức ép lên Hội đồng Hồi giáo Tối cao Iraq để khối này gia nhập liên minh của ông. Hội đồng Hồi giáo Tối cao Iraq do Iran bảo trợ được xem là yếu tố chính để phái Shiite nỗ lực duy trì quyền lực của ông Maliki.
Iran cũng lần đầu tiên công khai ủng hộ ông Maliki nắm quyền Iraq nhiệm kỳ thứ hai. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Rauf Sheibani cho biết ông Maliki là “một trong những lựa chọn thích hợp” để lãnh đạo chính phủ kế tiếp của Iraq. Giới truyền thông cũng loan tin rằng lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei giục Iraq giải quyết nhanh bế tắc chính trị và sớm tống khứ hết quân đội Mỹ khỏi nước này.
Có thể nói, Iran có vai trò và ảnh hưởng đặc biệt đối với chính trường Iraq. Giới cầm quyền Mỹ cho rằng chuyến thăm của ông Maliki tới Tehran không quan trọng lắm, nhưng lại lên tiếng đòi Iran phải trở thành nước láng giềng tốt của Iraq. Ai cũng biết ông Maliki là đồng minh của Mỹ, nên chẳng ai tin sự xuất hiện của ông Maliki ở Iran không thông qua sự chỉ đạo từ Washington.
N. KIỆT (Theo Guardian, Telegraph, AFP)