10/06/2022 - 08:37

Khi người Nhật phải “thắt lưng buộc bụng” 

MAI QUYÊN (Theo BBC)

Thế giới đang vật lộn với “cơn bão” giá và phí sinh hoạt tăng vọt thời kỳ hậu đại dịch COVID-19, và đây dường như là “cú sốc lớn” đối với Nhật Bản khi mọi người vốn quen với giá cả ổn định trong nhiều thập kỷ.

Phí sinh hoạt gia tăng khiến nhiều người Nhật đắn đo trong mua sắm.  Ảnh: Getty Images

Ra mắt vào năm 1979, bánh snack bắp Umaibo được coi là món ăn vặt “quốc dân” của xứ sở Mặt trời mọc khi được nhiều thế hệ người Nhật yêu thích. Ðáng trân trọng là suốt hơn 40 năm qua, bánh Umaibo luôn giữ giá bán 10 yen (khoảng 2.000 đồng) và bất cứ người Nhật nào cũng có thể mua dễ dàng, đặc biệt là trẻ em. Nhưng từ tháng 4, nhà sản xuất thông báo giá bánh Umaibo lần đầu tiên kể từ khi lên kệ sẽ tăng 20%. Trong một xã hội tin vào trách nhiệm chia sẻ gánh nặng cộng đồng và “văn hóa tăng giá” bị coi là điều cấm kỵ thì thông tin này ngay lập tức gây ra làn sóng chấn động khắp cả nước. Ðến nỗi công ty sản xuất Yaokin phải khởi động chiến dịch quảng cáo để giải thích vì sao họ tăng giá.

Theo cảm nhận của người dân, trước nay mọi thứ ở Nhật Bản dường như rất hiếm khi trở nên đắt hơn. Nhưng giờ đây, mọi thứ đã khác. Giá năng lượng tại Nhật Bản tháng trước ghi nhận mức tăng 20,5%, mức tăng cao nhất kể từ năm 1981. Giá điện tăng 19,7%, giá gas tăng 22,9% và giá xăng tăng 22,2%. Theo ngân hàng dữ liệu Teikoku, giá của hơn 10.000 mặt hàng thực phẩm sẽ tăng trung bình 13% trong năm nay.

Phí sinh hoạt tăng đánh vào niềm tin người tiêu dùng khiến chi tiêu hộ gia đình Nhật Bản trong tháng 4 giảm nhanh hơn dự kiến, gây áp lực lên nền kinh tế. Trong dấu hiệu khó khăn, các công ty đã phản ứng bằng cách không tăng lương, làm người tiêu dùng càng do dự trong chi tiêu. Ðiều này làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia và đây là vòng luẩn quẩn mà Nhật Bản mắc kẹt trong nhiều thập kỷ. Trên thực tế, mức lương trung bình của người Nhật hầu như không tăng trong hơn 30 năm qua. Trong khi nhiều nơi ở châu Á trở nên giàu có hơn, thì sự thịnh vượng của Nhật Bản lại trì trệ. Nó được phản ánh qua chỉ số GDP bình quân đầu người của nước này vẫn ở mức tương tự kể từ những năm 1990.

Ngân hàng trung ương tiến thoái lưỡng nan

Trong nhiều thập kỷ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) đã cố gắng kích thích tăng trưởng để thúc đẩy người dân chi tiêu và đầu tư nhiều hơn; đồng thời cân bằng mức tăng giữa tiền lương và giá cả. Nhưng hầu như ít đạt hiệu quả. Tính tới tháng 4, chỉ số giá tiêu dùng cốt lõi (CPI cốt lõi) của Nhật tăng 2,1% so với một năm trước đó. Chỉ số CPI cốt lõi tăng trong 8 tháng liên tiếp cũng đẩy mức lạm phát tiêu dùng tăng cao hơn mục tiêu 2% của BOJ.

Các quan chức BOJ lần đầu đặt mục tiêu lạm phát 2% vào năm 2013, với kỳ vọng tạo ra chu kỳ hợp lý là lương cao hơn, đầu tư doanh nghiệp nhiều hơn và chi tiêu tiêu dùng tăng lên. Nhưng hiện tại, BOJ đạt mục tiêu lạm phát nhưng cột mốc này không liên quan chính sách kích thích người tiêu dùng mua sắm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn. Thay vào đó là do giá các mặt hàng thiết yếu tăng và đồng yen suy giảm, bắt nguồn từ chi phí năng lượng, thực phẩm, kim loại và các hàng hóa khác tăng cao trong giai đoạn hậu COVID-19 cũng như tác động của khủng hoảng Ukraine.

Diễn biến này có thể khiến BOJ thêm khó khăn để giữ chính sách tiền tệ cực kỳ nới lỏng với lãi suất ở mức đáy trong nhiều năm. Nếu có sự chênh lệch đáng kể về lãi suất giữa Nhật Bản và các nền kinh tế lớn khác vốn đang tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát, chẳng hạn như Mỹ, thì đồng nội tệ Nhật sẽ tiếp tục suy yếu. Hiện đồng yen đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm so với đồng USD. Ðồng yen yếu hơn nữa có nghĩa là các mặt hàng nhập khẩu - chủ yếu là dầu và khí đốt - sẽ có giá cao hơn.

Ðầu tuần này, Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda cho biết các hộ gia đình không quen với lạm phát nhưng đang dần chấp nhận giá tăng. Một quan chức khác cũng hạ thấp tác động của việc tăng giá đối với cắt giảm chi tiêu, nhưng triển vọng tâm lý người tiêu dùng là cực kỳ đáng lo ngại.  

Chia sẻ bài viết