Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 5-9 tiết lộ ông từng lên tiếng mời người tương nhiệm Mỹ Donald Trump mua vũ khí siêu vượt âm của nước này, thay vì tự phát triển.
Theo hãng thông tấn TASS, trong cuộc điện đàm gần đây, chủ nhân Điện Kremlin nói với ông Trump: “Ngài có muốn chúng tôi bán vũ khí siêu vượt âm cho ngài không? Bằng cách đó chúng ta sẽ cân bằng mọi thứ”. Nhưng Tổng thống Trump đã từ chối, nói rằng Mỹ sẽ tự sản xuất khí tài này. “Có thể họ sẽ sản xuất. Nhưng tại sao phải chi tiền khi chúng tôi đã đầu tư và đổi lại là có thể sở hữu thứ gì đó mà không gây tổn hại đến an ninh của chúng tôi?”- ông Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế phương Đông, vừa kết thúc vào hôm qua 6-9 ở Nga. Chưa rõ lãnh đạo xứ bạch dương có nghiêm túc với đề xuất trên hay đây chỉ là màn “chơi khăm” khéo léo của ông. Thật ra, Mát-xcơ-va luôn khá thận trọng trong việc bán các khí tài mới nhất ra nước ngoài, có khi phải tạo ra các phiên bản đặc biệt dành để xuất khẩu. Trong khi đó, Mỹ đang đi từ phủ nhận sự tồn tại của vũ khí siêu vượt âm cho đến lao vào tự chế tạo loại khí tài này.
Tên lửa siêu vượt âm có thể đạt vận tốc trên Mach 5 (hơn 6.000 km/h), nên các hệ thống phòng thủ hiện hành rất khó đánh chặn. Hồi tháng 3-2018, Tổng thống Putin đã “khoe” một loạt vũ khí mới của Nga, bao gồm tên lửa siêu vượt âm, hệ thống laser, tên lửa hành trình và thiết bị lặn không người lái chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tháng 2 năm nay, ông thông báo những tiến bộ trong việc thử nghiệm các khí tài trên, đồng thời xác nhận đang thử nghiệm tên lửa siêu vượt âm phóng từ tàu ngầm 3M22 Tsirkon. Gần đây, Nga còn vén màn nhiều vũ khí tối tân, trong đó có cả tên lửa siêu vượt âm Avangard, với vận tốc Mach 27 (33.340 km/h).
Cũng tại sự kiện nói trên, Tổng thống Putin nhấn mạnh Mát-xcơ-va sẽ phát triển các tên lửa bị cấm trong Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) để đáp lại tuyên bố của Washington về việc triển khai khí tài mới tại châu Á. Tuy nhiên, ông khẳng định Nga sẽ không triển khai vũ khí này trừ phi Mỹ hành động trước.
Sau nhiều lần chỉ trích lẫn nhau vi phạm INF vốn ký hồi cuối năm 1987, đến ngày 2-8 vừa qua, Mỹ và Nga chính thức rút khỏi văn kiện này. Hai tuần sau, Mỹ thực hiện thành công vụ thử tên lửa tầm trung đầu tiên thời hậu INF và bị Nga tố là chạy đua vũ trang.
THANH BÌNH