17/12/2009 - 09:58

Khi “công lý toàn cầu” bị chi phối

Hiện nay, Anh và nhiều nước châu Âu vẫn duy trì hệ thống “công lý toàn cầu” nhằm cho phép tòa án của nước họ có thể ra lệnh bắt giữ và tiến hành các thủ tục xét xử những nghi phạm tội ác chiến tranh ở bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Thế nên, một tòa án ở Anh mới đây đã ra trác bắt giữ cựu Ngoại trưởng Israel Tzipi Livni vì vai trò của bà trong cuộc chiến của Israel trên Dải Gaza làm hơn 1.400 người Palestine, phần lớn là dân thường, thiệt mạng trong giai đoạn từ cuối năm 2008 đến đầu năm 2009. Lệnh này đã khiến bà Livni phải hủy bỏ chuyến thăm Luân Đôn hồi đầu tuần này.

Cách đây 2 tháng, cựu Tham mưu trưởng quân đội Israel Moshe Yaalon cũng đã không dám đặt chân đến nước Anh vì mối lo ngại tương tự. Trong khi đương kim Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao, thì cựu Thủ tướng Ehud Olmert (nếu vượt qua cơn bạo bệnh thập tử nhất sinh) và cựu cố vấn pháp lý của ngoại trưởng Israel Allan Kaber có thể ngồi vào ghế bị cáo bất cứ lúc nào. Năm 2005, người đứng đầu quân đội Israel tại Dải Gaza, Tướng Doron Almog, đã suýt đứng trước vành móng ngựa tại Anh nếu ông ta không hủy chuyến công cán để quay trở về Israel khi vừa mới xuống sân bay Heathrow vì ông được báo tin cảnh sát Anh chuẩn bị bắt giữ.

Tuy nhiên, dù tòa án Anh đã làm đúng các nguyên tắc quyền thực thi pháp lý toàn cầu, nhưng dường như quyền này của họ trong tương lai sẽ không còn nữa. Trở lại với trác bắt giữ mới đây nhất của tòa án Anh, Ngoại trưởng Anh David Miliband thậm chí phải nói lời xin lỗi đến bà Livni và cả người đồng nhiệm Israel Avigdor Lieberman. Luân Đôn cho rằng lệnh bắt giữ đó đã làm bẽ mặt bà Livni và Công đảng đối lập ở Israel, đồng thời quan ngại chuyện này nếu làm lớn sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Anh và Israel. Ông Miliband còn hứa với người đồng cấp Israel là sẽ đề nghị Thủ tướng Gordon Brown và Bộ trưởng Tư pháp Jack Straw gấp rút có những đề xuất trình Quốc hội Anh xem xét nhằm hạn chế hoặc bỏ hẳn quyền “công lý toàn cầu” này ở Anh.

Trong lịch sử áp dụng quyền thực thi pháp lý toàn cầu tại châu Âu, một tòa án ở Bỉ năm 2001 đã ra lệnh bắt giữ cựu Thủ tướng Israel Ariel Sharon, cựu Tham mưu trưởng quân đội Israel Raphael Eitan và Tư lệnh Phương bắc của quân đội Israel Amos Yaron vì những “chiến tích” của họ trong cuộc tấn công gây nhiều thương vong tại Thủ đô Beirut của Liban năm 1982. Thế nhưng, cũng nhằm bảo vệ mối quan hệ với Israel, chính quyền Bỉ đã có những đề xuất sửa đổi luật khiến “công lý toàn cầu” hết đất dụng võ.

PHÚC GIA AN
(Theo The Guardian, Haaretz, BBC, JP)

PHÚC GIA AN (Theo The Guardian, Haaretz, BBC, JP)

Chia sẻ bài viết