16/11/2014 - 09:26

Khi con nuôi về nước

"Điều gì sẽ xảy ra nếu tôi không được cho người khác" - câu hỏi cứ luôn hiện trong tâm trí của hầu hết những đứa con Trung Quốc được người nước ngoài nuôi dưỡng, trong đó chủ yếu là những đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi chính sách một con của nước này. Tuy có rất ít người nhận được câu trả lời thỏa đáng nhưng các câu chuyện của những người con nuôi trở về quê hương đã khiến người nghe không khỏi bùi ngùi.

Nhiều câu hỏi đã được đặt ra về số phận của các em nhỏ Trung Quốc trước khi chúng được nhận nuôi dưỡng ở xứ người. Chẳng hạn, chúng sẽ thay đổi mọi thứ bằng cách nào, cả tại nơi chúng sắp đặt chân đến và nơi chúng bỏ lại sau lưng? Liệu chúng sẽ điều chỉnh bản thân khi sinh sống trong một môi trường chủ yếu là người da trắng? Liệu chúng sẽ trở thành cầu nối giữa Trung Quốc và thế giới? Và hàng loạt các câu hỏi khác được đặt ra. Mọi câu hỏi theo thời gian đã được trả lời, và nhiều câu chuyện về người con nuôi từ đó dần dần xuất hiện, điển hình là các trường hợp của Mei, Jennie Lytel-Sternberg và Maya Ludtke, hay Ricki Mudd.

Ricki Mudd (phải) bên cha mẹ nuôi của mình. Ảnh: WSJ.

Khi nhắc về trường hợp của Mei, người ta sẽ không khỏi chạnh lòng khi biết rằng mẹ ruột của cô đã chủ động liên hệ với cô với mong muốn cô giúp người anh trai ruột của mình thoát khỏi "tiếng gọi tử thần" sau khi bị kết án tử hình do phạm tội giết người. Mei do đó đã phải quay về nước và bước chân vào hệ thống tội phạm tham nhũng đầy phức tạp của Trung Quốc. Trong khi đó, Jennie Lytel-Sternberg và Maya Ludtke đã bỏ ra một tháng sống ở một vùng nông thôn tại tỉnh Giang Tô, kết bạn với nhiều người dân địa phương cùng tuổi. Thông qua những người bạn mới của mình, họ có thể tưởng tượng ra cuộc sống của họ sẽ ra sao nếu như họ không được một người ở một nơi xa xôi nhận làm con nuôi, đó là thiếu thốn nguồn thức ăn, không được hẹn hò, và phải trải qua rất nhiều kỳ thi. Còn trường hợp của Ricki Mudd lại là một câu chuyện khác. Ricki không phải là một trường hợp bị bỏ rơi đơn giản. Do chính sách một con cũng như áp lực gia đình phải tìm ra một "cháu đích tôn" để thừa kế, cha mẹ cô đã không đăng ký giấy khai sinh cho cô. Để tránh phải bị phạt tiền nặng, họ thường xuyên phải "rày đây mai đó". Do đó, Ricki từ bé đã sớm học được cách không khóc và tự chăm sóc bản thân. Để giúp Ricki có được giấy tờ tùy thân, cha mẹ cô buộc phải giao cô cho người một cặp vợ chồng người Mỹ nuôi dưỡng. Hiện cô đang tạm trú ở nhà cha mẹ ruột tại quê hương ở thành phố Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến.

Đó chỉ là 3 trường hợp điển hình trong tổng số hơn 12.000 trẻ em Trung Quốc được các gia đình phương Tây nhận làm con nuôi kể từ đầu những năm 1990, trong đó đa số là bé gái. Các câu chuyện này đã thể hiện được một bức chân dung nhiều sắc thái về chính sách một con của xã hội Trung Quốc, cho thấy chính sách này đang định hình xã hội ra sao. Được biết, Trung Quốc lần đầu tiên chính thức cho phép hình thức nhận con nuôi quốc tế trong những năm đầu thập niên 90. Theo số liệu từ Bộ Ngoại giao Mỹ, hiện Trung Quốc được xem là "nguồn" cung cấp con nuôi lớn nhất thế giới. Chỉ tính riêng trong năm ngoái, người Mỹ đã nhận nuôi hơn 2.000 trẻ em từ Trung Quốc, gấp đôi so với "nguồn" cung cấp con nuôi lớn thứ hai thế giới là Ethiopia.

TRÍ VĂN (Theo WSJ)

Chia sẻ bài viết