24/05/2021 - 09:22

Khi Anh điều tàu sân bay tới Biển Đông 

Ngày 23-5, hàng không mẫu hạm tối tân HMS Queen Elizabeth trị giá 4,2 tỉ USD của Anh đã rời căn cứ hải quân Portsmouth, bắt đầu hành trình tới châu Á, trong đó có ghé qua Biển Đông. Trong hai ngày trước đó, Thủ tướng Boris Johnson và Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị đã lần lượt thị sát con tàu dài hơn 280 mét và có lượng choán nước 65.000 tấn này.

Thủ tướng Johnson (giữa) trên hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth. Ảnh: PA Wire

HMS Queen Elizabeth là tàu sân bay hiện đại nhất của Anh mang hy vọng đưa hải quân nước này trở lại thời hoàng kim. Trong hành trình đầu tiên, tàu chở 8 chiến đấu cơ F-35B của Anh và 10 tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ cùng 250 lính thủy đánh bộ Mỹ trong thành phần thủy thủ đoàn 3.700 người. Tàu sẽ dẫn đầu hạm đội gồm hai khu trục hạm, hai khinh hạm, một tàu ngầm, hai tàu hỗ trợ và 14 trực thăng hải quân thực hiện hành trình 25.000 hải lý trong 28 tuần. Một tàu khu trục của Mỹ và một tàu khu trục của Hà Lan cũng tham gia hành trình này.

HMS Queen Elizabeth sẽ thăm 40 quốc gia, trong đó có Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, tham gia hơn 70 đợt phối hợp trên biển, bao gồm màn chạy song song tàu sân bay Pháp Charles De Gaulle trên Địa Trung Hải. Hải trình này là đợt hiện diện lớn nhất của hải quân Anh trong thời bình suốt ¼ thế kỷ qua.

Nói về việc triển khai tàu sân bay tới Biển Đông, Thủ tướng Johnson khi thị sát HMS Queen Elizabeth hôm 21-5 nhấn mạnh: “Một trong những điều chúng tôi sẽ làm là cho những người bạn ở Trung Quốc thấy rằng chúng tôi tin vào luật biển quốc tế. Và chúng tôi sẽ thể hiện điều đó theo một cách tự tin chứ không phải đối đầu…Chúng tôi không muốn chống đối bất kỳ ai nhưng chúng tôi nghĩ rằng Vương quốc Anh đóng một vai trò rất quan trọng, cùng bạn bè và đối tác như Mỹ, Hà Lan, Úc, Ấn Độ và nhiều nước khác, trong việc duy trì pháp quyền, hệ thống dựa trên luật lệ quốc tế mà chúng ta đều phải dựa vào”.

Thủ tướng Johnson cho biết nhiệm vụ của HMS Queen Elizabeth trong chuyến đi này không chỉ thể hiện quyền lực cứng (sức mạnh quân sự) của Anh mà còn cả quyền lực mềm, mà theo ông là những giá trị nước Anh đại diện, cũng như niềm tin vào dân chủ và pháp quyền. Thủ tướng Johnson từng mô tả HMS Queen Elizabeth là “hiện thân của nước Anh toàn cầu hiện đại”, đóng vai trò như một “đại sứ quán nổi”.

Dù Thủ tướng Johnson khẳng định Anh không muốn đối đầu với bất kỳ quốc gia nào, kể cả Trung Quốc, nhưng việc ông nhiều lần nhấn mạnh việc tuân thủ pháp quyền và luật biển quốc tế trong bài phát biểu chắc chắn khiến Bắc Kinh “chột dạ”. Thật ra, từ giữa năm ngoái, khi có tin Luân Đôn sẽ đưa  tàu sân bay đến Biển Đông, đại sứ Trung Quốc tại Anh Lưu Hiểu Minh đã nhanh nhảu cảnh báo đây là “hành động rất nguy hiểm”; đồng thời khuyên Anh không nên “kéo bè kéo cánh với Mỹ để chống Trung Quốc”.

Còn nhớ hồi năm 2018, Anh từng đưa tàu đổ bộ HMS Albion đến Biển Đông thực hiện tự do hàng hải và động thái này khiến Trung Quốc hết sức tức giận.

Tháng 3 năm nay, Thủ tướng Johnson đã công bố chính sách quốc phòng và ngoại giao mới, trong đó chủ trương nước Anh hướng về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Đây được xem là một sự phản ứng trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế, đặc biệt là tham vọng ngày càng lớn của họ ở Biển Đông.

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết