15/11/2021 - 07:11

Khả thi và sòng phẳng! 

Sau 14 ngày làm việc, Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) đã bế mạc ngày 13-11 tại Glasgow (Vương quốc Anh).

Vui mừng khi Hiệp ước Khí hậu Glasgow được thông qua. Ảnh: Reuters

Vui mừng khi Hiệp ước Khí hậu Glasgow được thông qua. Ảnh: Reuters

Tất cả 197 quốc gia đã thông qua Hiệp ước Khí hậu Glasgow, theo đó khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Có thể nói mục tiêu này khả thi bởi đi kèm với nó là các cam kết và giải pháp trước mắt lẫn lâu dài.

Cụ thể, mục tiêu này đòi hỏi phải giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.

Hiệp ước kêu gọi “giảm dần điện than không sử dụng công nghệ thu giữ carbon và trợ cấp nhiên liệu hóa thạch không hiệu quả”, đồng thời thừa nhận “sự cần thiết phải hỗ trợ để hướng tới một quá trình chuyển đổi công bằng”.

Hiện đã có 40 quốc gia, bao gồm Việt Nam, cam kết loại bỏ điện than - chiếm khoảng 37% tổng điện năng trên thế giới trong năm 2019 - và là nhiên liệu đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu.

Các nước cũng đưa ra một loạt cam kết quan trọng, trong đó gần 100 nước khẳng định đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan và hơn 100 quốc gia hứa chấm dứt nạn phá rừng vào thời điểm đó.

COP26 còn chứng kiến cam kết của 450 tổ chức tài chính, quản lý tổng số tài sản trị giá 130.000 tỉ USD, tương đương 40% tài sản tư nhân toàn cầu, trong việc sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ công nghệ sạch như năng lượng tái tạo và loại bỏ tài trợ cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Điều bất hợp lý hiện nay là trong khi các nước giàu chịu trách nhiệm đối với phần lớn khí thải nhà kính, các nước nghèo lại chịu những tác động tồi tệ nhất của biến đổi khí hậu.

Đáng mừng là tổn thất và thiệt hại - một vấn đề quan trọng đối với các nước đang phát triển - đã được đưa vào Hiệp ước Khí hậu Glasgow, với việc kêu gọi các nước phát triển và các tổ chức khác hỗ trợ nhiều hơn các quốc gia dễ bị tổn thương để ứng phó với những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và giải quyết những thiệt hại do các hiện tượng thời tiết cực đoan và nước biển dâng.

Hiệp ước nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động tài trợ từ mọi nguồn để đạt mức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris, bao gồm việc tăng đáng kể hỗ trợ cho các nước đang phát triển, vượt quá 100 tỉ USD mỗi năm. Hiệp ước cũng thúc giục các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019.

Ngoài tính khả thi, sự sòng phẳng của Hiệp ước là ở chỗ đó.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo thế giới vẫn có phản ứng khá thận trọng. Thủ tướng nước chủ nhà Anh Boris Johnson cho rằng Hiệp ước Khí hậu Glasgow là bước tiến lớn, song vẫn còn một khối công việc đồ sộ phải làm trong những năm tới. Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tỏ ra dè dặt: “Hành tinh mong manh của chúng ta đang ở trong thế ngàn cân treo sợi tóc. Chúng ta vẫn có nguy cơ đối mặt với thảm họa về khí hậu”. 

QUỐC KHÁNH

Chia sẻ bài viết