28/04/2012 - 21:40

Kẻ ở, người đi

Chỉ trong một ngày, với hai cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tương tự nhau, nhưng số phận của chính phủ hai nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) lại khác xa nhau. Trong khi Thủ tướng Cộng hòa Czech Petr Necas thở phào vì tiếp tục được tại nhiệm, người đồng cấp Mihai Razvan Ungureanu của Roumanie phải ngậm ngùi ra đi.

Nguyên nhân khiến 2 nhà lãnh đạo trên phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu quyết định “đi hay ở” đều xuất phát từ vấn đề tài chính. Thời gian qua, người dân hai nước đã liên tiếp xuống đường biểu tình, đòi chính phủ phải từ bỏ chính sách “thắt lưng buộc bụng” và từ chức.

Hôm 27-4, tại cuộc họp của Quốc hội Roumanie, 235 nghị sĩ đã bỏ phiếu tán thành việc Thủ tướng Ungureanu từ chức, cao gấp 4 lần so với mức cần thiết. Trước đó, chính quyền mới 2 tháng tuổi của ông Ungureanu đã đưa ra quyết định cắt giảm tiền lương cho khu vực công và siết mạnh thuế kinh doanh nhằm giúp đất nước giảm thâm hụt ngân sách. Song, chính sách này giống như một nhát dao cứa thêm vào vết thương của quốc gia vốn được xếp là nghèo thứ 2 trong EU.

Để thay thế vị trí của ông Ungureanu, Tổng thống Traian Basescu đã chỉ định thủ lĩnh đảng Dân chủ Xã hội thuộc Liên minh Tự do Xã hội (USL) cánh tả đối lập, ông Victor Ponta, 39 tuổi, lên nắm quyền thủ tướng và thành lập nội các mới. Nhà lãnh đạo của phe đối lập đang kiểm soát 228 trong 460 ghế tại quốc hội nước này cho biết sẽ tìm thêm sự ủng hộ từ các đảng nhỏ để thành lập chính phủ đa số và nếu thất bại, Roumanie sẽ tổ chức cuộc bầu cử sớm vào tháng 11 tới.

Không lâu sau sự thay đổi trên chính trường Roumanie, một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm khác cũng được tổ chức tại Cộng hòa Czech liên quan đến chính sách khắc khổ của chính phủ nước này. Tuy nhiên, vận may có vẻ mỉm cười với Thủ tướng Necas khi sau một cuộc họp căng thẳng kéo dài nhiều giờ, 105 đại biểu đã bỏ phiếu tiếp tục ủng hộ chính quyền cánh hữu của Thủ tướng Necas so với 93 đại biểu bỏ phiếu chống.

Dù vậy, Thủ tướng Necas vẫn chưa thể “thoát hiểm” khi chiến thắng của ông được đánh giá là quá mong manh. Chính sách khắc khổ quá mức và những bê bối tham nhũng gần đây đã khiến tỷ lệ ủng hộ dành cho nội các của ông chỉ còn 16%, mức thấp chưa từng có. Trước đó, để cứu vãn tình hình, chính trị gia 48 tuổi này đã buộc lòng tách ra 1 trong 3 đảng thuộc liên minh cầm quyền do nhiều quan chức của đảng này dính nghi án tham nhũng. Với sự ủng hộ của chỉ 2 đảng còn lại, chiếc ghế của Thủ tướng Necas xem ra cũng không vững vàng khi ông phải đối mặt với hàng loạt yêu cầu thay đổi chính sách cũng như sức ép từ đảng Dân chủ Xã hội đối lập – vốn đang kêu gọi bầu cử sớm và hứa hẹn thực hiện một số cải cách.

Cách đây mấy ngày, tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte và nội các của ông cũng đã trở thành “nạn nhân” mới của cuộc khủng hoảng tài chính nghiêm trong trong Khu vực đồng euro (Eurozone). Ông Rutte đã tự nguyện xin từ chức mà nếu không cũng bị quốc hội bãi nhiệm và tuyên bố sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 9-2012.

TRIẾT VĂN (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết