17/12/2014 - 21:30

Kế hoãn binh

Trong bối cảnh Palestine và châu Âu đang nỗ lực thúc giục Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ) thông qua một nghị quyết đặt nền tảng cho nhà nước Palestine, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry ngày 16-12 đã lên tiếng kêu gọi các bên “kiên nhẫn chờ đợi” và tìm kiếm “những giải pháp, cách thức khác” để giải tỏa căng thẳng ở khu vực Trung Đông.

Theo Thời báo Los Angeles, phía Palestine hôm 14-12 nói rằng họ sẽ trình một dự thảo nghị quyết lên HĐBA LHQ để bỏ phiếu thông qua ngày 17-12. Nhưng đến ngày 16-12, Ngoại trưởng Palestine Riad Malki cho biết chính quyền của ông đang thảo luận với châu Âu, dẫn đầu là Pháp, để đi đến một nghị quyết có quan điểm gần gũi hơn với quan điểm của Palestine. Được biết, trong khi nghị quyết của Palestine kêu gọi chấm dứt sự chiếm đóng của Israel trong vòng hai năm, nghị quyết của châu Âu lại kêu gọi tổ chức đàm phán trong 24 tháng nhằm thiết lập thời gian biểu để chấm dứt sự chiếm đóng của Israel.

Quan điểm của Palestine lẫn châu Âu đều hướng tới việc chấm dứt sự chiếm đóng trái phép của Israel trên các vùng lãnh thổ Palestine. Đây chính là điều mà Tel Aviv không mong muốn và đang gây sức ép để đồng minh cật ruột là Mỹ phủ quyết mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có ý bất lợi cho chính sách của họ đối với Palestine. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng việc đưa ra một nghị quyết như vậy trong lúc này là “không thích hợp”, bởi Israel đang chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn vào trung tuần tháng 3 năm sau, rằng ông không muốn có bất cứ hành động nào mà ông cho là “can thiệp” vào cuộc bầu cử ở Israel.

Ai cũng biết, Israel tiến hành cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn là do những bất đồng quan điểm giữa các đảng phái trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Benjamin Netanyahu xung quanh dự luật phân biệt địa vị pháp lý giữa người Do Thái và người A-rập ở Israel dẫn đến đổ vỡ chính phủ liên hiệp của ông. Dự luật này do chính đảng Likud cực hữu của ông Netanyahu soạn thảo đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của cộng đồng người A-rập ở Israel, coi đó thực chất là sự phân biệt đến mức bài xích người không phải Do Thái ở Israel và là điều bất lợi cho tiến trình hòa bình Trung Đông.

Hiện tại, như nhận định của giới phân tích, ở Israel đang hình thành liên minh trung tả mới để tranh giành quyền lực với phe cực hữu của ông Netanyahu, một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về vấn đề Trung Đông theo quan điểm của Palestine hay châu Âu đưa ra lúc này sẽ ít nhiều tác động đến tâm lý cử tri Israel theo hướng bất lợi cho phe cánh của ông Netanyahu. Nếu Mỹ không phủ quyết nghị quyết ấy thì rõ ràng “khó ăn khó nói” với đồng minh Israel, còn ngược lại thì cũng chẳng hay ho gì khi “một mình chống gần cả thế giới”. Vì thế chẳng có gì lấy làm lạ khi Washington dụng kế hoãn binh.

THANH TRÚC

Chia sẻ bài viết