11/02/2015 - 21:43

Kế hoạch B của Hy Lạp

Chính phủ của Thủ tướng Alexis Tsipras đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm của Quốc hội Hy Lạp sáng 11-2 với 162 phiếu thuận và 137 phiếu chống. Trước cuộc bỏ phiếu mang tính thủ tục này, nhà lãnh đạo đảng cánh tả Syriza nhận được tràng pháo tay của nhiều nghị sĩ khi nói về vấn đề đàm phán lại gói cứu trợ tài chính với “bộ ba chủ nợ” gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). “Chừng nào chúng ta có nhân dân ở bên cạnh, chúng ta không thể bị tống tiền hay bị dọa nạt bởi bất kỳ ai. Tôi muốn đảm bảo rằng Hy Lạp sẽ không lùi bước và không thể trở lại kỷ nguyên của gói cứu trợ”- Thủ tướng Tsipras mạnh mẽ tuyên bố như vậy khi một cuộc thăm dò dư luận mới cho thấy cá nhân ông nhận được 75% số cử tri hậu thuẫn.

Phát biểu trên của ông Tsipras được cho nhằm trả đũa thái độ kiên quyết của các nhà lãnh đạo châu Âu bác bỏ mọi khả năng thay đổi điều kiện “thắt lưng buộc bụng” mà Athens đã phải thực thi trong 5 năm qua để đổi lấy gói cứu trợ tài chính trị giá 240 tỉ USD. Chuyến thăm một loạt quốc gia đầu tàu châu Âu của Thủ tướng Tsipras và Ngoại trưởng Nikos Kotzias hồi tuần qua không nhận được tín hiệu nhượng bộ về “thỏa thuận mới” mà chính quyền Athens dự kiến công bố trong cuộc họp bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurozone) diễn ra trong ngày 11-2. Đó cũng là thông điệp mà ông Tsipras gởi tới hội nghị cấp cao Liên minh châu Âu (EU) vào hôm nay 12-2.

Cũng nhằm gia tăng sức ép với giới lãnh đạo Eurozone, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos hôm 10-2 cảnh báo rằng nếu chính quyền Đức vẫn “cứng nhắc” thì Athens bắt buộc phải tìm kiếm nguồn viện trợ tài chính khác thay thế theo kế hoạch B. “Kế hoạch B có thể tốt nhất là Mỹ, có thể là Nga, có thể là Trung Quốc hay các quốc gia khác”- thủ lĩnh đảng theo đường lối dân tộc chủ nghĩa “Những người Hy Lạp Độc lập” giải thích. Thứ trưởng Ngoại giao Hy Lạp Nikos Chountis ngay sau đó tiết lộ thêm nước này đã nhận được lời đề nghị hỗ trợ tài chính từ Mát-xcơ-va và trợ giúp bằng đầu tư từ Bắc Kinh.

Chuyến công du Nga ngay trong ngày 11-2 của Ngoại trưởng Kotzias có lẽ là một lời cảnh báo hiện hữu nhất của Hy Lạp đối với Eurozone. Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis trước đó cũng đã cảnh báo nếu Hy Lạp buộc phải ra khỏi Eurozone thì các nước khác khó tránh khỏi nối đuôi và khối tiền tệ này sẽ tan vỡ. “Đồng euro đang dễ đổ vỡ. Nó giống như việc xây dựng một khối cờ, nếu bạn rút con cờ Hy Lạp ra thì các con cờ khác sẽ sụp đổ”- ông Varoufakis trả lời phỏng vấn trên kênh truyền hình RAI của Ý.

KIẾN HÒA (Theo Reuters, AP)

KIẾN HÒA (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết