|
Biểu tình gần Đại sứ quán Israel tại Paris.
Ảnh: Reuters |
Vụ “bố ráp” đẫm máu của biệt kích Israel trên chiếc tàu quốc tế chở hàng nhân đạo cho người dân Palestine tại Dải Gaza diễn ra ngày 31-5 đang tạo ra một làn sóng phản đối Tel Aviv trên toàn thế giới.
Quân đội Israel giải thích rằng, họ phải xả súng vào hơn một chục nhà hoạt động trên chiếc tàu của “Hạm đội Tự do” đang di chuyển trên vùng biển quốc tế hướng đến Dải Gaza là biện pháp tự vệ khi những người này chuẩn bị phương tiện gây sát thương đối với họ. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuy bày tỏ “rất tiếc về cái chết của nhiều nhà hoạt động nước ngoài” nhưng vẫn bảo vệ “hành động hợp pháp” của quân đội, đồng thời giải thích việc Israel kiểm soát các tàu đi đến Gaza là nỗ lực ngăn chặn rốc-két, tên lửa, chất nổ tuồn vào đây dùng để tấn công dân thường Israel. Tel Aviv nói rằng chuyến tàu trên đáng nghi ngờ do nó thuộc Phong trào Gaza Tự do, tổ chức ủng hộ nhóm Hamas đang kiểm soát Dải Gaza và có “cảm tình” với mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda. Tuy nhiên, sự thật thì đây là một liên minh các tổ chức nhân quyền quốc tế ủng hộ người dân Palestine tại Gaza đang sống trong điều kiện khắt nghiệt vì lệnh phong tỏa của Israel.
Cho nên, dù Tel Aviv có biện minh như thế nào đi nữa cũng không ngăn được nhiều nước và tổ chức quốc tế mạnh mẽ phê phán hành động tàn bạo này, đồng thời kêu gọi phải có biện pháp trừng phạt đích đáng. Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ và có mối quan hệ gần gũi nhất với Israel tại Trung Đông, đã triệu hồi đại sứ ở Tel Aviv về nước để phản đối “hành động đứng trên luật pháp quốc tế của nhà nước khủng bố Israel”. Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu thậm chí gọi vụ tấn công “giống như hành động của hải tặc”. Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Syrie và Liban cảnh báo rằng cuộc tấn công của Israel có thể kích động một cuộc chiến tranh ở Trung Đông. Tổng thống Syrie Bashar al-Assad và Thủ tướng Liban Saad Hariri (đang ở thăm Syrie) sau cuộc hội đàm ngày 31-5 đã ra tuyên bố chung “cực lực lên án tội ác của Israel”. Chủ tịch Liên đoàn A-rập Amr Moussa thì gọi hành động của Israel là tội ác chống lại sứ mệnh nhân đạo.
Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hiệp Quốc ngày 31-5 đã triệu tập phiên họp khẩn cấp thảo luận về vấn đề này. Hầu hết các nước trong HĐBA và Tổng Thư ký Ban Ki-moon đều kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra toàn diện về vụ việc trên, cũng như đề nghị Israel dỡ bỏ lệnh phong tỏa Dải Gaza.
Đồng minh thân cận nhất của Israel là Mỹ nói “lấy làm tiếc” về vụ tấn công và hy vọng Tel Aviv tiến hành cuộc điều tra “toàn diện và đáng tin cậy”. Do vụ này, Thủ tướng Netanyahu đã phải rút ngắn chuyến công du Canada và hủy chuyến thăm Mỹ, dự kiến bắt đầu từ ngày 1-6, để trở về nước.
Thủ tướng Anh David Cameron trong cuộc điện đàm với ông Netanyahu cũng lên án vụ tấn công của Israel là không thể chấp nhận được, đồng thời thúc giục Nhà nước Do Thái có phản ứng mang tính xây dựng trước những chỉ trích của cộng đồng quốc tế.
Cùng với các cuộc biểu tình tại Trung Đông, ngày 31-5 tại Paris (Pháp), khoảng 1.200 người biểu tình đã tập trung gần Đại sứ quán Israel để phản đối vụ tấn công.
KIẾN HÒA (Tổng hợp)