13/09/2016 - 10:43

Indonesia truy tố công ty đốt rừng trái phép

Bộ Lâm nghiệp và Môi trường Indonesia vừa tuyên bố sẽ truy tố công ty sản xuất dầu cọ Andika Permata Sawit Lestari (APSL) ở tỉnh Riau (đảo Sumatra) vì tội đốt rừng trái phép và bắt cóc các nhân viên kiểm lâm của họ.

Một góc rừng bị đốt phá ở tỉnh Riau trên đảo Sumatra, dọc Eo biển Malacca. Ảnh: EPA

Bộ trưởng Lâm nghiệp và Môi trường Siti Nurbaya Bakar lên án việc hàng chục người (thậm chí là 100 người) được APSL "thuê" để ngăn cản quá trình khảo sát nạn đốt rừng và đất bùn trái phép để làm đồn điền tại quận Rokan Hulu. "Trong vụ này, cuộc điều tra nhắm vào APSL sẽ là ưu tiên hàng đầu của chúng tôi. Bộ Lâm nghiệp sẽ trừng trị họ thích đáng theo luật định"- bà Bakar mạnh mẽ tuyên bố.

Nỗi ám ảnh biến rừng thành đồn điền cọ dầu

Hôm 2-9, 7 nhân viên điều tra cháy rừng đã bị một nhóm người bắt cóc suốt đêm và bị dọa sẽ thiêu sống và ném xác xuống sông. Tuy nhiên, đại diện pháp lý của APSL phủ nhận chuyện đốt rừng dọn đất và khẳng định nông dân địa phương do bị xúc phạm nên đã bắt cóc nhân viên kiểm lâm. Trước khi được trả tự do, nhóm bắt cóc đã buộc các nạn nhân phải xóa các hình ảnh và video ghi cảnh đốt phá rừng trái phép trong máy của họ. Dù vậy, các quan chức lâm nghiệp khẳng định hình ảnh về các thửa đất có diện tích đều nhau bị đốt được chụp bằng máy bay không người lái là bằng chứng cho thấy đốt rừng trái phép đã được lên kế hoạch từ trước. Theo đó, hơn 2.000 héc-ta rừng đã bị APSL đốt để "cải tạo thành đồn điền trồng cọ dầu". Bà Bakar cũng tuyên bố phải truy tố các công ty đốt rừng trái phép ở Indonesia. Theo bà, cuối năm 2014, các công ty ở Riau từng điều hành hoạt động của họ dưới vỏ bọc là người dân địa phương hoặc "các nhóm có tổ chức" được hậu thuẫn bởi "các nhà tài chính di động".

Mỗi năm, các đám cháy đã phá hủy đời sống sinh vật hoang dã và khói cay bao trùm khắp Indonesia cũng như khu vực lân cận, gây ra các vấn đề về hô hấp nguy hiểm. Thảm kịch cháy rừng năm 2015 ở Indonesia được gọi là "tội ác chống lại loài người" khi cướp đi sinh mạng của 19 người và gây thiệt hại kinh tế hơn 16 tỉ USD. Trong số các thủ phạm, có 5 công ty dầu cọ đứng trước nguy cơ hầu tòa vì đã đốt tổng cộng hơn 2,6 triệu héc-ta đất rừng ở Palembang, Nam Sumatra, Jambi và Nam Kalimantan (gấp 4,5 lần diện tích đảo Bali). Theo luật pháp Indonesia, các công ty nhận tội đốt rừng làm đồn điền có thể sẽ bị phạt tiền rất nặng và các cá nhân liên quan có thể bị giam đến 10 năm tù. Từ đầu năm nay, hơn 450 nghi can đốt rừng trái phép ở Indonesia đã bị bắt và ít nhất 9 công ty đang bị điều tra.

Vướng "cuộc khủng hoảng thực thi pháp luật"

Vụ việc APSL nhấn mạnh những thách thức mà Indonesia đối mặt trong việc lôi ra ánh sáng các công ty chịu trách nhiệm đốt rừng và đất than bùn để lập các đồn điền độc canh cọ dầu. Dầu cọ khi kết hợp với diesel tạo ra nhiên liệu sinh học có lợi cho môi trường và có nguồn cung phong phú và giá rẻ (khoảng 600-700 USD/tấn dầu cọ), trong khi quá trình sản xuất loại dầu thực vật này không cần phải cải tiến nhiều công nghệ.

Đốt các khoảng rừng tự nhiên vẫn được xem là cách rẻ và nhanh nhất để dọn đất làm đồn điền trồng cọ và sản xuất gỗ bột giấy ở Indonesia. Tuy nhiên, trồng cọ lấy dầu và sản xuất bột gỗ giấy lại đóng góp đáng kể cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á này. Năm ngoái, Indonesia đã xuất khẩu hơn 26 triệu tấn dầu cọ, thu về hơn 18 tỉ USD. Chính phủ Jakarta cam kết sẽ tăng cường thực thi pháp luật trong nỗ lực chống nạn phá rừng, song quốc gia vạn đảo đang đứng trước những thách thức như tham nhũng, nghèo đói cũng như gặp khó trong việc giám sát các vùng nông thôn hẻo lánh. Các tổ chức môi trường cho rằng những nỗ lực ngăn chặn đốt rừng của Indonesia đã bị vướng bởi "cuộc khủng hoảng thực thi pháp luật".

THANH BÌNH
(Theo Straitstimes, WSJ, Guardian, Indonesia-investments)

THANH BÌNH (Theo Straitstimes, WSJ, Guardian, Indonesia-investments)

Chia sẻ bài viết