27/02/2008 - 09:16

"Hoa trắng" giữa đời

Bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương đang cân trẻ. Ảnh: B.NG

Bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương, y tá Hồ Minh Dũng, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy - những người mà tôi đã gặp - có thể rất bình thường như bao người khác khi xuôi ngược trên đường phố. Chỉ khi chứng kiến họ làm việc, chúng ta mới có thể nhận ra vẻ đẹp tâm hồn của họ qua tinh thần tận tụy và đức hy sinh. Họ đã chọn cho mình công việc không hề nhẹ nhàng trong nghề y - nghề vốn vất vả, nhiều áp lực...

1- Đã bước qua khỏi “mùng” nhưng không khí Tết vẫn còn nguyên vẹn trong căn nhà của chị Nguyễn Thị Ngọc Nga, đường Vành đai phi trường, phường An Hòa, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ. Đứng trước thềm nhà, chị Nga nở nụ cười đôn hậu khi nghe hỏi về tình trạng sức khỏe của bé Trần Trúc Nguyên. Chị nói: “Đây là cái tết thứ 6 gia đình tôi được hưởng trọn niềm vui, kể từ khi Nguyên mắc bệnh”.

Năm 2001, khi vừa 40 tháng tuổi, đang vui đùa như bao đứa trẻ khác, đột nhiên Nguyên không cầm nắm được, chân đi xiêu vẹo, thường xuyên bị té... Các bác sĩ chẩn đoán Nguyên bị hội chứng viêm đa rễ thần kinh. Đây là hội chứng rất hiếm gặp, làm liệt cơ thể của người bệnh từ từ. Chị Nga kể: “Tôi đưa cháu đi điều trị ở Bệnh viện Nhi đồng (BVNĐ) 1, TP Hồ Chí Minh. Qua 4 tháng, tuy cháu đã khỏi bệnh nhưng vẫn chưa đi đứng bình thường được, phải tập vật lý trị liệu thường xuyên. Cháu đã rất may mắn khi được bác sĩ Phương (bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương, BVNĐ Cần Thơ- PV) cùng các cộng sự tập đi đứng...”. Chị Nga đang kể thì bé Nguyên từ ngoài chạy vào nhà, lễ phép chào khách rồi nói với mẹ: “Chiều mẹ chở con vô bệnh viện thăm cô Phương, nghen mẹ!”.

Đến phòng Vật lý trị liệu, BVNĐ Cần Thơ mới thấy hết sự vất vả của những người thầy thuốc khi tập đi, tập nói cho bệnh nhi... Với những trẻ chưa đi vững, các kỹ thuật viên vừa tập vừa chơi với trẻ. Có bé đã lần được theo thanh inox, bước từng bước một, các bác sĩ cứ dõi theo, động viên: “Đi đi con! Đi đi! Giỏi quá!”. Nhắc đến bác sĩ Phương, thân nhân của bệnh nhi nào cũng cảm động kể về sự tận tụy của chị. Còn nhắc đến bệnh nhi, chị Phương nhớ vanh vách, nào là bé Nguyên, bé Huy, bé Trúc... đã đi được; bé Ngọc, bé Lam, bé Yến... đang tập và có tiến triển tốt. Chị Phương tâm sự: “Gần 6 năm công tác, hạnh phúc nhất của tôi và các cộng sự là chứng kiến bệnh nhi đi được, nói cười được. Tỷ lệ trẻ khỏi bệnh sau di chứng nặng không nhiều, đòi hỏi bệnh nhi, gia đình và cả bác sĩ phải nhẫn nại, quyết tâm trong tập luyện”.

Bác sĩ Lưu Thị Nhất Phương đến với công việc điều trị vật lý trị liệu một cách tình cờ. Tốt nghiệp ngành y, chị đi làm trình dược viên. Năm 2001, đến BVNĐ Cần Thơ giới thiệu thuốc, chứng kiến cảnh những bệnh nhi đang vất vả luyện tập từng bước đi, từng tiếng nói, nụ cười, và những ánh mắt chan chứa hy vọng của các bậc cha mẹ, khiến chị quặn lòng đến rơi nước mắt. Chị muốn làm một điều gì đó cho các em. Và chị đã quyết định đi học lớp ngắn hạn 6 tháng về vật lý trị liệu ở TP Hồ Chí Minh, rồi xin vào làm việc tại BVNĐ Cần Thơ. 1 năm... 2 năm... thời gian cứ thế trôi qua, chị ngày càng gắn bó và càng thêm yêu công việc của mình.

Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BVNĐ Cần Thơ, nhận xét: “Bác sĩ Phương rất nhiệt tình, tận tụy trong công việc. Không chỉ giỏi về chuyên môn, bác sĩ Phương còn tham gia nhiều hoạt động phong trào văn - thể- mỹ và say mê nghiên cứu khoa học”. Đề tài “Bước đầu đánh giá kết quả điều trị bệnh nhân ngoại trú tại Phòng vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng BVNĐ Cần Thơ từ tháng 1-2004 đến tháng 1-2007” của chị được ngành y tế đánh giá cao. Để có được kết quả đó, chị Phương đã suy nghĩ, tìm tòi tư liệu qua sách vở, báo chí, Internet... Đa số tài liệu liên quan đến đề tài đều bằng tiếng Anh, tiếng Pháp. Vậy là, ban đêm và ngày nghỉ trong tuần, chị dành để học tiếng Pháp, bồi dưỡng tiếng Anh. Chị tâm sự: “Hiện tại, tôi cùng các cộng sự trong khoa thực hiện đề cương nghiên cứu khoa học liên quan đến điều trị vật lý trị liệu cho trẻ nhưng chuyên sâu về một bệnh lý. Tôi hy vọng đề tài này sẽ góp một phần nhỏ nâng cao hiệu quả điều trị vật lý trị liệu cho bệnh nhi...”.

* * *

Y tá Hồ Minh Dũng giúp bệnh nhân thở máy. Ảnh: B.NG

2- Tâm huyết, hết lòng với bệnh nhân - đó là điều tôi cảm nhận được khi tiếp xúc với anh Hồ Minh Dũng, y tá khoa Cấp cứu, Bệnh viện Lao và Bệnh phổi (BV L&BP) Cần Thơ. 25 năm gắn bó với bệnh nhân lao, bệnh phổi, anh Dũng luôn làm việc với phương châm “Bằng mọi cách phải cứu bệnh nhân, dù biết rằng họ khó có thể vượt qua ranh giới sống- chết”. Bác sĩ Lê Văn Dịu, Giám đốc BV L&BP Cần Thơ, nhận xét: “Anh Dũng rất nhiệt tình và không ngại khó. Những kinh nghiệm của anh đã hỗ trợ rất nhiều cho các bác sĩ trong việc điều trị cho bệnh nhân”.

Nhắc đến công việc của mình, anh Dũng chỉ nói giản đơn: “Công việc của tôi cũng như công việc của những điều dưỡng khác”. Thế nhưng, khi đến các khoa: Cấp cứu, Lao ở BV L&BP, nhắc đến anh Dũng, ai cũng biết, cũng nhớ. Anh N.T.H, cha của cháu N.T.N, ở quận Bình Thủy, kể: “Con tui bị viêm phổi nặng, nằm ở khoa Cấp cứu cả tuần, cả nhà lo cháu khó qua được. May nhờ các bác sĩ, nhất là anh Dũng, tận tình chăm sóc, tập thở, tập cử động chân tay... cho cháu. Anh Dũng còn thức trắng đêm chăm sóc mỗi khi cháu lên cơn sốt”. Trường hợp của N. không chỉ bị viêm phổi thường mà N. còn bị nhiễm HIV. Thế nhưng, anh Dũng không ngần ngại, nề hà khi chăm sóc N. Chị Võ Thị Hoàng, điều dưỡng trưởng BV L&BP Cần Thơ, nói: “Anh Dũng rất tận tình với bệnh nhân. Có khi bệnh nhân lao - HIV ở giai đoạn cuối, mất ý thức, tiêu tiểu bất kỳ lúc nào nhưng anh Dũng không ngại, vẫn đến tận nơi, đỡ người bệnh lên để làm vệ sinh”.

Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, anh Dũng không có điều kiện học tập nâng cao trình độ tay nghề nhưng với những ca bệnh khó, anh là người cộng sự đắc lực, góp phần giúp các bác sĩ chẩn đoán, đưa ra phương án điều trị... Theo anh Dũng, chăm sóc người bệnh lao- HIV không khó, chỉ khó ở chỗ bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân phải có lòng tin để tuân thủ theo sự điều trị của y, bác sĩ. Anh tâm sự: “Biết đâu một vài năm nữa hoặc sáng hôm sau, thế giới tìm ra được loại thuốc trị bệnh HIV. Vì thế, tôi thường động viên bệnh nhân lao-HIV để họ có thêm niềm tin, động lực mà kiên trì điều trị, kéo dài sự sống”.

Trước khi vội vàng đến các khoa thăm bệnh, tiêm thuốc, anh Dũng không quên nhắc tôi: “Nếu tiếp xúc với bệnh nhân lao-HIV, nhớ đeo khẩu trang. Các bệnh nhân dễ mến lắm, đừng làm gì để họ tự ti, mặc cảm nhé!”.

* * *

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy hướng dẫn bệnh bệnh nhân cách tự chăm sóc và ăn uống. Ảnh: Đ.LY

3- Sáng 22-2-2008, tại phòng Khám bệnh, BV Da liễu Cần Thơ, bệnh nhân ngồi chờ rất đông nhưng vẫn trật tự. Bên trong vọng ra tiếng bác sĩ trách móc rất chân tình:

-Trời ơi, anh không kiêng cữ ăn uống cho bà cụ hay sao mà bệnh chàm của cụ cứ tái phát hoài vậy?

Sau khi nghe người đàn ông giải thích, bác sĩ dặn dò:

- Đây là toa thuốc. Anh nhớ cho cụ ăn no rồi mới uống thuốc. Nhớ phải kiêng ăn tương hột, mắm, ba khía... Ráng cử kiêng mới mau hết bệnh chứ uống thuốc hoài không tốt đâu!

Bệnh nhân thứ hai bước vào. Giọng bác sĩ ân cần:

- Cô bị chàm dạng tổ đĩa rồi. Bệnh này phải kiêng xà bông tối đa, cô nhớ nhờ ông xã hay người thân giặt đồ. Cử ăn mắm, tương chao... Ở nhà cô có cây ô rô không?

- Có ạ !

- Cô lấy lá ô rô nấu nước, bỏ tí muối xông, để nguội, ngâm tay.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Thủy cứ liên tục tay ghi bệnh án, toa thuốc, miệng hướng dẫn bệnh nhân. Con của bà Đào Thị Dư, ở Tân Hòa, Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, khẽ nói: “Tui đưa mẹ đi khám ở đây 4 - 5 lần rồi. Dù bệnh nhân đông nhưng bác sĩ Thủy luôn nhiệt tình, ân cần, chịu khó hướng dẫn cho bệnh nhân từng chút một”. Tiếng đồn về phòng khám BV Da liễu Cần Thơ trị bệnh tận tình cứ lan xa, nhiều người bệnh từ Long An, Tiền Giang... cũng tìm đến đây.

Mỗi ngày, bác sĩ Thủy khám và điều trị cho khoảng 100-130 bệnh nhân. Với bệnh nhân nào bác sĩ cũng lắng nghe rồi dặn dò thật kỹ những điều nên tránh để bệnh không tái phát. Bác sĩ Thủy tâm sự: “Bệnh nhân đến bệnh viện là mong được khám bệnh, được giãi bày cho bác sĩ nghe về bệnh của mình. Lắng nghe bệnh nhân, bác sĩ vừa hiểu rõ về bệnh của bệnh nhân, vừa giải tỏa tâm lý cho bệnh nhân, giúp tin tưởng và tuân thủ tốt điều trị. Với mỗi bệnh nhân tôi đều hướng dẫn rõ cách ăn uống, sinh hoạt bởi nếu vì bệnh nhân không biết thì có uống thuốc cũng không có tác dụng gì và sau này khả năng tái phát bệnh rất cao”. Với mỗi toa thuốc, bác sĩ Thủy đều cẩn thận ghi rõ cách uống, cách bôi thuốc; uống nhiều nước; những thức ăn cần kiêng... Chị cũng suy nghĩ chọn lọc những loại thuốc có hiệu quả điều trị cao, ít tốn tiền, ít ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong cơ thể bệnh nhân. “Thuốc là con dao hai lưỡi. Trong những trường hợp thật cần thiết, tôi mới kê đơn thuốc và chọn lọc thật kỹ, không để bệnh nhân uống thuốc xong hết bệnh này lại phát bệnh khác”- chị Thủy bộc bạch.

Gần 20 năm công tác, nhiều lần chị Thủy xuất tiền túi mua thuốc, cho tiền tàu xe bệnh nhân nghèo. Ở nhà, chị cũng có phòng mạch tư nhưng mở cửa thất thường do công việc ở bệnh viện chiếm hết thời gian, tâm trí của chị. Nói là khám bệnh tư nhưng với bệnh nhân nghèo, chị không lấy tiền mà có khi còn cho thuốc. Bác sĩ Lê Quang Võ, Giám đốc Bệnh viện Da liễu Cần Thơ, nhận xét: “Chuyên môn giỏi, nhiệt tình, vui vẻ nên bác sĩ Thủy được bệnh nhân quý lắm. Từ khi bác sĩ Thủy đảm trách công việc ở phòng khám, bệnh nhân rất hài lòng”.

* * *

“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai...”. Có thể ở đâu đó vẫn còn nhiều thầy thuốc tận tụy, tự nguyện gánh vác phần việc vất vả, gian nan như bác sĩ Phương, y tá Dũng, bác sĩ Thủy. Họ ví như những đóa “hoa trắng” giữa đời thường bởi những giá trị vô biên mà họ đã mang lại cho cuộc sống: Niềm vui, hạnh phúc của bao gia đình khi người thân được khỏe mạnh, những đôi chân trẻ thơ bước đi vững vàng hơn, khát vọng sống của những bệnh nhân lao-HIV được khơi dậy... Và quan trọng hơn là họ góp phần củng cố niềm tin của mọi người rằng xã hội vẫn còn nhiều “lương y như từ mẫu”.

• HUỆ HOA - BÍCH KIÊN

Chia sẻ bài viết