02/12/2014 - 08:40

Hợp tác trong khác biệt

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 1-12 đã có chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ và dự cuộc họp Hội đồng hợp tác cấp cao Nga-Thổ Nhĩ Kỳ lần thứ 5 với người đồng cấp nước chủ nhà Tayyip Erdogan tại Thủ đô Ankara.

Đây là cuộc gặp đầu tiên cấp nguyên thủ quốc gia hai nước Nga và Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi ông Erdogan giữ ghế tổng thống hồi tháng 8, sau hơn một thập niên làm thủ tướng (2003-2014). Ông Putin thì đã trở lại vị trí tổng thống vào tháng 5-2012 sau 4 năm “thủ vai” thủ tướng và 8 năm tổng thống (2000-2008). Vì thế mà dư luận cho rằng giữa hai ông Erdogan, 60 tuổi và Putin, 62 tuổi, cũng có “điểm tương đồng”: Cả hai đều mạnh mẽ và có sức lôi cuốn dân chúng trong nước nhưng bị các quốc gia phương Tây bên ngoài chỉ trích là “tham quyền, cố vị”; đều có tham vọng xây dựng quốc gia cường thịnh và có tầm ảnh hưởng quốc tế lớn hơn.

Tuy nhiên, thực tế giữa hai ông có những khác biệt rất lớn về quan điểm và đường hướng lãnh đạo đất nước. Nước Nga dưới thời Putin hậu thuẫn Tổng thống Syrie Bashar al-Assad, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ do Erdogan cầm quyền lại muốn ông này phải từ chức. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối Nga sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraina vốn là nơi có người Hồi giáo Tatar thiểu số gốc Thổ Nhĩ Kỳ sinh sống. Hơn nữa, Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) luôn dè chừng và chống đối Nga.

Dẫu vậy, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn có đủ lý do để tăng cường mối quan hệ hợp tác. Hơn 4 triệu người Nga du lịch Thổ Nhĩ Kỳ mỗi năm và Nga đang xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên cho Thổ Nhĩ Kỳ trong dự án trị giá tới 20 tỉ USD. Lĩnh vực năng lượng được Tổng thống Putin nhận định là “đầu tàu” thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nga đã cam kết tăng nguồn cung khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ từ 26,7 tỉ mét khối năm 2013 lên 30 tỉ mét khối trong năm nay.

Có thể nói, Thổ Nhĩ Kỳ là đối tác nhập khẩu khí đốt lớn thứ hai của Nga sau Đức, phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Trong khi đó, mối quan hệ thương mại với Thổ Nhĩ Kỳ càng trở nên quan trọng hơn với Nga trong bối cảnh phương Tây đang gia tăng các biện pháp cấm vận chống Nga xung quanh cuộc khủng hoảng Ukraina. Hợp tác trong khác biệt, dùng chính thành viên NATO để phá thế cô lập của NATO, vì thế còn được xem là một nước cờ cao tay nữa của ông Putin.

KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters)

KIẾN HÒA (Theo AP, Reuters)

Chia sẻ bài viết