08/08/2024 - 19:52

Hàn Quốc tranh cãi khả năng tham gia “câu lạc bộ hạt nhân” 

Trong phỏng vấn độc quyền với hãng tin Reuters, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cảnh báo nguy cơ thị trường tài chính chao đảo và liên minh với Mỹ bị phá vỡ nếu Seoul bắt đầu chế tạo vũ khí hạt nhân. Nhận định này bác bỏ lời kêu gọi trong nước về việc sở hữu kho vũ khí riêng nhằm tăng cường tính răn đe trước CHDCND Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik. Ảnh: Reuters

Theo Bộ trưởng Shin, việc Hàn Quốc kiên quyết muốn sở hữu vũ khí hạt nhân có thể gây ra “hậu quả tàn khốc” cho nền kinh tế cũng như vị thế ngoại giao nước này. Trong khi Mỹ đến nay vẫn phản đối một động thái như vậy, việc Seoul rút khỏi hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ gây ra “vết nứt lớn” trong liên minh với Washington và có thể đối mặt hàng loạt chế tài. Thay vì tự xây dựng kho vũ khí nguyên tử, Bộ trưởng Shin nhấn mạnh tăng cường khả năng răn đe của các đồng minh là cách “dễ dàng, hiệu quả và hòa bình nhất” để đối phó những nỗ lực thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực.

Vài tháng trở lại đây, yêu cầu phát triển vũ khí hạt nhân được một số thành viên đảng cầm quyền của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol thúc đẩy nhằm đối phó các tuyên bố mở rộng năng lực tên lửa và vũ khí nguyên tử từ Triều Tiên. Cách đây vài ngày, Bình Nhưỡng còn triển khai 250 bệ phóng tên lửa đạn đạo chiến thuật mới đến biên giới Hàn Quốc và đang tiếp tục lắp đặt mìn cùng rào chắn bên trong Khu phi quân sự (DMZ). 

Trong khi vấn đề Triều Tiên chưa lắng xuống, tình hình trở nên cấp bách khi diễn ra các cuộc tranh luận về viễn cảnh cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử vào tháng 11. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump liên tục phàn nàn về chi phí hiện diện của quân đội Mỹ tại Hàn Quốc và đích thân ông tham gia các cuộc đàm phán chưa từng có với lãnh đạo Triều Tiên.

Trả lời phỏng vấn ngày 8-8, Bộ trưởng Shin thừa nhận thảo luận giữa các chính trị gia và chuyên gia chính sách đối ngoại là dấu hiệu cho thấy đại bộ phận người Hàn vẫn lo lắng khả năng răn đe mở rộng của Mỹ, đặc biệt là lực lượng hạt nhân. Dù trước đó, nước này cùng với Mỹ, Nhật Bản đã ký Khung hợp tác an ninh 3 bên mới nhằm thể chế hóa nỗ lực chung ứng phó mối đe dọa hạt nhân và tên lửa. Trung tuần tháng 7, Seoul và Washington còn ký văn bản liên quan răn đe hạt nhân. Tuy nhiên, sự cạnh tranh chiến lược gia tăng giữa Mỹ, Trung Quốc và cuộc chiến ở Ukraine đã làm thay đổi sâu rộng trong mô hình “hậu Chiến tranh Lạnh”. Cùng với căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và khắp eo biển Đài Loan, thông tin Triều Tiên nhận sự hỗ trợ của Nga cho động cơ tên lửa đã đưa Hàn Quốc đến gần vòng xoáy hỗn loạn và làm phức tạp thêm các tính toán của nước này.

Theo một cuộc thăm dò hồi tháng 6, có 66% người Hàn Quốc ủng hộ sở hữu vũ khí hạt nhân khi Triều Tiên liên tục đe dọa tấn công; 44% muốn quân đội Mỹ rời khỏi đất nước và chính phủ nên phát triển kho vũ khí riêng. Đây là lần đầu tiên thái độ của công chúng Hàn đối với vũ khí hạt nhân vượt quá sự ủng hộ với quân đội Mỹ. Đồng tình với quan điểm của công chúng, một số chính trị gia Hàn Quốc bao gồm Tổng thống Yoon đã kêu gọi cân nhắc chế tạo vũ khí hạt nhân trong nước hoặc yêu cầu Mỹ tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật mà Washington đã rút khỏi bán đảo vào năm 1991.

Vốn dĩ, các lựa chọn hạt nhân là chủ đề “cấm kỵ” ở 2 nước đồng minh hiệp ước của Mỹ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Thay vào đó, Washington cam kết bảo vệ Nhật Bản và Hàn Quốc dưới “chiếc ô hạt nhân” của mình. Nhưng gần đây, thái độ của Mỹ về việc liệu các đồng minh trong khu vực được phép sử dụng vũ khí hạt nhân hay không có vẻ đã thay đổi, đặc biệt trước những gợi ý rằng Washington nên dựa vào vấn đề này để buộc Trung Quốc tham gia các cuộc đàm phán kiểm soát vũ khí.

MAI QUYÊN (Theo SCMP)

Chia sẻ bài viết