01/06/2020 - 06:18

Hàn Quốc hướng tới xã hội “không tiếp xúc” 

Khi đến Lounge X, quán cà phê nằm ở trung tâm thủ đô Seoul, một nhân viên đeo khẩu trang và tạp dề đến nhận phiếu đặt thức uống của khách, sau đó nhanh chóng di chuyển về phía máy tính, hoàn tất phiếu đặt rồi đưa tay lấy một chiếc ly thủy tinh. Anh ta ấn một vài nút rồi đưa cho Baris - nhân viên pha chế bằng robot - để nó hoàn thành các khâu còn lại.

Chị Lee Han-Na tại cửa hàng Green&Grain. Ảnh: Nbcnews

Còn tại một quán cà phê khác ở thành phố Daejeon, cách Seoul 160km về phía Nam, một robot tương tự cũng được trang bị để phục vụ khách hàng. “Đây là tách trà hạnh nhân của chị, hãy thưởng thức nó đi. Nó sẽ ngon hơn nếu chị khuấy lên” – robot nói với khách khi mang tách trà ra cho khách.

Những quán cà phê robot nói trên là một phần của mô hình “không tiếp xúc” của chính phủ xứ kim chi nhằm hạn chế tiếp xúc xã hội giống như thời hậu COVID-19 hiện nay. Hiện cuộc sống hàng ngày tại Hàn Quốc đã hoạt động trở lại nhưng đa số người dân ra đường đều đeo khẩu trang do lo ngại COVID-19 tái bùng phát. Thuật ngữ “không tiếp xúc”  thật ra  đã xuất hiện cách đây vài năm. Theo khảo sát của Công ty nghiên cứu tiếp thị Macromill Embrain cách đây 2 năm, 85,6% người Hàn Quốc cho biết muốn gia tăng các hoạt động không tiếp xúc.

Nhằm đáp ứng nhu cầu “không tiếp xúc” của người tiêu dùng, các công ty như Hyundai Card, đơn vị phát hành thẻ tín dụng của Tập đoàn ô tô Hyundai, tổ chức các buổi hòa nhạc phát sóng trực tiếp. Hiện Hyundai đang đẩy mạnh sản xuất tuân theo mô hình “không tiếp xúc” của chính phủ. Na Youjin, người đứng đầu bộ phận sản xuất thẻ của Hyundai Card, cho biết công ty này gần đây đã cho ra mắt thẻ tín dụng Digital Lover giữa lúc Hàn Quốc bước vào thế giới ngập tràn các dịch vụ không tiếp xúc, phát trực tiếp như Netflix, YouTube Premium hay dịch vụ nghe nhạc trực tuyến Melon.

“Chúng tôi đang nhắm mục tiêu vào giới trẻ, những người có sở thích cá nhân rõ ràng và không ngại thể hiện điều đó trên các mạng xã hội như Instagram. Cho dù họ có ý thức về điều đó hay không, nhiều người trong số họ là những người tiêu dùng tích cực của các dịch vụ không tiếp xúc” – ông Na Youjin cho hay.

Giữa lúc các tập đoàn lớn theo đuổi các dự án không tiếp xúc, một số doanh nghiệp đầu tư vào robot hoặc hướng tới sử dụng kỹ thuật số trong hoạt động của mình. Trong tầng hầm của một khu vui chơi ở phía Bắc Seoul, khách hàng của cửa hàng Green & Grain giờ đây không cần phải gặp trực tiếp chủ cửa hàng để mua hàng, họ chỉ cần đến, tìm một chỗ ngồi rồi nhắn tin đặt hàng bằng ứng dụng nhắn tin KakaoTalk. Lee Han-Na, chủ cửa hàng Green & Grain cho biết khách hàng vẫn có thể mua hàng theo cách cũ tại quầy nhưng “hiếm khi có ai làm như vậy”.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các ki-ốt và ứng dụng kỹ thuật số bắt đầu thay thế sức lao động của con người, một câu hỏi được đặt ra đó là số nhân viên thừa ra sẽ đi đâu. Theo thăm dò của Viện Nghiên cứu Kinh tế Hàn Quốc, khoảng 33% các công ty ở Hàn Quốc có thể sa thải công nhân nếu nền kinh tế không sớm phục hồi. Kang Insoo, Giáo sư kinh tế tại Đại học Sookmyung, thì dự đoán tỷ lệ thất nghiệp tại Hàn Quốc sẽ tăng mạnh trong tháng 6. 

TRÍ VĂN (Theo Nbcnews, Reuters)

Chia sẻ bài viết