06/04/2025 - 12:36

Hạn hán hoành hành, nhiều bé gái Kenya bị ép tảo hôn 

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đe dọa sinh kế của người dân tại thị trấn Marsabit, phía Bắc Kenya, nhiều bé gái và phụ nữ tại đây còn đối mặt những hậu quả khác như tảo hôn và bạo lực tình dục.

Phụ nữ ở Kambinye (Kenya) đang dắt lừa chở theo can nhựa đến một điểm lấy nước công cộng. Ảnh: Oxfam

Một trong số đó là Dukano Kelle, một phụ nữ dù mới 34 tuổi nhưng đã có 5 con vì bị cha mẹ gả chồng từ năm 15 tuổi. Bất chấp cái nắng gay gắt ngoài trời và bản thân chưa ăn gì từ hôm trước, Dukano không có lựa chọn nào khác ngoài việc dắt theo con lừa của gia đình đi bộ nhiều giờ đến giếng khoan gần nhất để lấy nước. Vì nước sinh hoạt cho cả nhà, cô buộc phải làm công việc này 2 lần/tuần.

Hàng ngàn phụ nữ khác sống trong những nơi trú ẩn du mục, được dựng tạm bợ trên vùng đồng bằng khô cằn ở phía Bắc Kenya này, cũng phải đi lấy nước giống như Dukano. Đối với họ, cuộc sống vốn đã bấp bênh nay lại trở thành cuộc chiến sinh tồn hằng ngày.

Các nhóm cứu trợ Kenya cho biết biến đổi khí hậu không chỉ khiến hạn hán trở nên tàn khốc và thường xuyên hơn, mà còn làm gia tăng nạn bất bình đẳng theo những cách âm thầm. Và một trong những diễn biến đáng lo ngại nhất là sự gia tăng tỷ lệ tảo hôn, đặc biệt là ở những khu vực không có mưa suốt 9 tháng trong năm. Đàn gia súc vốn là sinh kế của người dân chết dần vì đói và mất nước, do đất đai ngày càng cằn cỗi. Nhiều gia đình kiệt quệ buộc phải gả con gái để đổi lấy vài con lạc đà hay dê, có thể cung cấp nguồn sống cho gia đình trong vài tháng.

Không có quyền lựa chọn và khả năng tự vệ

Ngoài tỷ lệ tảo hôn gia tăng, tổ chức từ thiện địa phương Indigenous Resource Management Organization (IREMO) cho rằng biến đổi khí hậu đã góp phần làm tăng các vụ cưỡng hiếp và tấn công tình dục ở Marsabit. Khi thảm thực vật trở nên thưa thớt hơn, những phụ nữ phụ trách việc chăn gia súc buộc phải đưa đàn gia súc đến những địa điểm xa hơn để gặm cỏ, khiến họ dễ bị tấn công tình dục hơn.

Wato Gato, một cô gái hơn 20 tuổi, kể rằng mình từng bị bỏ lại một mình giữa một khu đất khắc nghiệt để chăn dê khi mới 15 tuổi. Gia đình đã hướng dẫn Wato đi tìm đồng cỏ cho đàn dê trong thời gian hạn hán và ở lại đó cho đến khi mùa mưa đến. Không may là trong quá trình du mục, Wato bị một người đàn ông cũng chăn dê gần đó cưỡng hiếp, mà không thể phản kháng. Sau đó nhiều tháng, cô bé phát hiện mình mang thai. Nhưng thay vì nhận được sự hỗ trợ từ những người thân, anh trai Wato lại nói rằng cô bé phải rời khỏi nhà vì đã làm xấu hổ gia đình. Trong khi đó, kẻ tấn công đã trốn vào sa mạc và Wato không có cách nào để buộc tội hắn.

Elise Nalbandian, cố vấn tại tổ chức phi chính phủ Oxfam ở châu Phi, cho biết vì phụ nữ và các bé gái là người chăm sóc và cung cấp chính trong gia đình, mà họ đang phải đối mặt với những tác động lớn nhất của biến đổi khí hậu. “Phụ nữ và trẻ em gái phải đi xa hơn để lấy nước và nhiên liệu, nhưng họ thường là những người cuối cùng được ăn uống”,  Nalbandian giải thích.

Mặc dù phụ nữ ở mọi lứa tuổi đều phải gánh chịu gánh nặng của tình trạng khí hậu ngày càng xấu đi, nghèo khó và thực phẩm, nhưng các bé gái thường là những người ít được bảo vệ nhất và có nguy cơ tổn thương cao nhất. Nhiều bé gái bị ép kết hôn khi vẫn còn là trẻ em và phải sớm gánh vác trách nhiệm nuôi con.

Cũng vì nghèo khó, Boke Mollu được cha mẹ gả cho một người lạ khi mới 15 tuổi. Vì đàn gia súc của gia đình đã chết, cha mẹ Boke xem việc gả con để lấy 3 con lạc đà và 3 con dê là một sự trao đổi có giá trị hơn vào thời điểm đó.

“Tất nhiên, tôi đổ lỗi cho cha mẹ. Nhưng đồng thời, tôi biết họ sẽ không làm như vậy nếu hạn hán không quá tệ”, Boke, người hiện 19 tuổi, than thở. Mặc dù nhiều lần bị chồng bạo hành, nhưng Boke vẫn tiếp tục chịu đựng vì không thể làm gì khác. Cô biết gia đình sẽ không chấp nhận con gái quay về vì người đàn ông đó đã trả tiền hồi môn.

NGUYỆT CÁT (Theo Al Jazeera)

Chia sẻ bài viết