12/10/2014 - 08:19

Hai quốc gia, một thông điệp

Bất chấp nhiều khác biệt lớn, một nữ sinh 17 tuổi và một đàn ông qua hàng thập niên dạn dày sương gió, một người Hồi giáo và một người Ấn giáo, một công dân Pakistan và một công dân Ấn Độ đã cùng được vinh danh giải Nobel Hòa bình 2014 vì những đóng góp to lớn trong hoạt động bảo vệ các quyền cơ bản cho trẻ em trên toàn thế giới. Dù một bên đấu tranh đòi quyền được cấp sách đến trường cho trẻ em gái và một bên đấu tranh giải phóng lao động nô lệ cho tất cả trẻ em, nhưng con đường nào cũng cần chấm dứt chủ nghĩa bạo lực và cưỡng đoạt vi phạm quyền tự do cơ bản của trẻ em.

Chủ tịch Ủy ban Nobel Na Uy Thorbioern Jagland thừa nhận việc họ quyết định trao giải thưởng danh giá trên cho em Malala Yousafzai và ông Kailash Satyarthi là nhằm gởi thông điệp đến Pakistan và Ấn Độ rằng hai địch thủ này có thể hợp tác với nhau vì hòa bình, ổn định và sự phát triển thịnh vượng cho nhân dân hai nước và khu vực Nam Á. “Chúng tôi muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng mọi tôn giáo đều có thể bắt tay vì mục đích chung” - ông Jagland nhấn mạnh. Sau khi nhận được tin mình giành giải Nobel với Malala, chính ông Satyarthi tuyên bố: “Tôi sẽ mời em ấy tham gia cuộc chiến mới vì hòa bình cho khu vực”.

Hai quốc gia cùng sở hữu vũ khí hạt nhân này từng là “anh em một nhà” trước khi tách ra độc lập sau ách đô hộ của đế quốc Anh năm 1947 và trở nên đối nghịch với 3 lần chiến tranh đẫm máu vì nhiều vấn đề khác nhau, trong đó có cuộc tranh chấp vùng biên giới Kashmir.

Điều đặc biệt có ý nghĩa và hết sức ngẫu nhiên là giải Nobel Hòa bình năm nay được công bố vào lúc binh sĩ Pakistan và Ấn Độ tại khu vực tranh chấp đã bắt đầu nổ súng vào nhau suốt hơn một tuần lễ qua làm hàng chục dân thường thiệt mạng. Đây là cuộc đụng độ tồi tệ nhất giữa hai quốc gia này trong nhiều năm qua. Ấn Độ đã cảnh báo Pakistan sẽ phải “trả một cái giá không thể kham nổi” nếu cứ tiếp tục các hành động nổ súng khiêu khích qua biên giới. Tuy vậy, Pakistan mới là bên hối thúc Ấn Độ cho phép Nhóm quan sát quân sự Liên Hiệp Quốc tới khu vực phân chia biên giới ở Kashmir để điều tra thực tế các vụ vi phạm thỏa thuận ngừng bắn mà hai nước đạt được hồi năm 2003.

KIẾN HÒA (Theo AP, Nytimes)

KIẾN HÒA (Theo AP, Nytimes)

Chia sẻ bài viết