16/08/2017 - 10:39

Hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên 

Sau hơn một tuần leo thang căng thẳng, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi lãnh đạo CHDCND Triều Tiên tuyên bố “cần thêm thời gian” theo dõi hành động của Mỹ trước khi có ra lệnh tấn công đảo Guam hay không.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các tướng lĩnh quân đội. Ảnh: AP

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các tướng lĩnh quân đội. Ảnh: AP

Hồi tuần rồi, Triều Tiên đã đe dọa phóng 4 tên lửa tầm trung tiếp cận vùng biển quanh đảo Guam thuộc lãnh thổ Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Theo Bình Nhưỡng, đây là thông điệp cảnh báo nếu Washington tiếp tục triển khai máy bay ném bom hạng nặng tới Hàn Quốc. Hôm 14-8, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA cho biết Chủ tịch Kim Jong-un đã xem xét kế hoạch trên trong lúc thị sát Bộ Tư lệnh Lực lượng chiến lược.

Sau khi thảo luận “rất lâu” với các tướng lĩnh, KCNA trích tuyên bố của ông Kim cho biết Bình Nhưỡng tạm thời sẽ theo dõi động thái tiếp theo của Mỹ trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Song, lãnh đạo Triều Tiên nhấn mạnh nước này sẵn sàng phóng tên lửa tấn công vùng lãnh hải quanh đảo Guam nếu Washington tiếp tục có hành động khiêu khích. Trong thông cáo trước đó, KCNA cảnh báo các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, bắt đầu vào ngày 21-8, có thể dẫn đến xung đột.

Tuyên bố của lãnh đạo Triều Tiên được đưa ra sau khi giới chức Mỹ - Hàn Quốc gần đây đề cập phản ứng quân sự trước bất kỳ vụ tấn công nào từ Bình Nhưỡng. Theo cảnh báo hôm 14-8 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, việc Triều Tiên phóng tên lửa tấn công lãnh thổ Mỹ “rất nhanh sẽ leo thang thành một cuộc chiến tranh”. 

Tuy vậy, trong bài viết đăng tải trên tờ Wall Street Journal, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cùng lãnh đạo Lầu Năm Góc đã đưa ra thông điệp xoa dịu căng thẳng khi cho biết Washington không có lợi ích trong việc thay đổi chế độ ở Bình Nhưỡng hoặc đẩy nhanh quá trình thống nhất hai miền Triều Tiên, qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của giải pháp ngoại giao.

Theo hai quan chức cấp cao Mỹ, Washington đang theo đuổi chính sách mới “kết hợp giữa áp lực ngoại giao và kinh tế” nhằm thay thế chính sách “kiên nhẫn chiến lược” dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, bị cho đã thất bại trong mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Dù vậy, cả ông Mattis và Tillerson đều nhấn mạnh giải pháp ngoại giao sẽ được “hậu thuẫn bởi các lựa chọn quân sự”.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc hôm 14-8, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford cũng khẳng định ưu tiên của quân đội Mỹ là hỗ trợ nỗ lực ngoại giao-kinh tế nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên song song lựa chọn quân sự trong trường hợp những nỗ lực như vậy không thành công.

Về phía Hàn Quốc, Tổng thống Moon Jae-in tại cuộc họp với các trợ lý và cố vấn cao cấp ngày 15-8 tiếp tục kêu gọi kiềm chế trong cuộc xung đột với Bình Nhưỡng nhằm tránh gây thêm một cuộc chiến tranh nữa trên bán đảo Triều Tiên. Theo Tổng thống Hàn Quốc, Seoul và Washington đều nhất trí khủng hoảng cần được giải quyết một cách hòa bình. Trong đó, ông chủ Nhà Xanh khẳng định chính quyền Seoul sẽ ngăn chặn chiến tranh “bằng mọi giá” và rằng không có hành động quân sự nào, kể cả từ đồng mình Mỹ, tiến hành trên bán đảo Triều Tiên mà không được sự đồng ý của Hàn Quốc.

Sự xuống thang của các bên liên quan vấn đề Triều Tiên đã khiến nhiều chỉ số chứng khoán quan trọng trên thế giới tăng điểm trong phiên giao dịch ngày hôm qua. 

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết