20/09/2022 - 19:37

Giới trẻ Trung Quốc chi tiêu dè sẻn 

TRÍ VĂN (Theo Reuters, SCMP)

Cảm giác bất an và không chắc chắn về tương lai khiến người trẻ Trung Quốc tiết kiệm hơn 50% lương hàng tháng để “đề phòng các trường hợp khẩn cấp”, gồm thất nghiệp và bệnh tật.

Trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Doris Fu đã vẽ ra một tương lai tốt đẹp cho bản thân và gia đình, nào là mua căn hộ lớn hơn, sắm xe hơi mới, tổ chức tiệc tùng vào dịp cuối tuần hay đón những ngày lễ trên các hòn đảo nhiệt đới.

Giới trẻ Trung Quốc bên ngoài một trung tâm mua sắm ở thành phố Thượng Hải. Ảnh: AFP

Thế nhưng, nhà tư vấn tiếp thị 39 tuổi ở thành phố Thượng Hải đã phải cắt giảm chi tiêu và tiết kiệm từng đồng khi Trung Quốc áp đặt các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt, tỷ lệ thanh niên thất nghiệp cao và thị trường bất động sản bị chững lại. “Tôi không còn thói quen đi làm móng, làm tóc nữa và tôi chỉ mua các loại mỹ phẩm nội địa. Tôi thường đi xem 2 bộ phim mỗi tháng nhưng tôi đã không bước vào rạp chiếu phim kể từ khi COVID-19 bùng phát” - Fu nói với Hãng tin Reuters.

Tương tự, Yang Jun, người từng chìm sâu trong nợ thẻ tín dụng trước khi COVID-19 bùng phát, cho biết cô đang cắt giảm chi tiêu, thậm chí là bỏ thói quen uống cà phê Starbucks hàng ngày và đang rao bán một số đồ cá nhân trên các trang web mua bán đồ cũ để kiếm tiền. Yang nói rằng COVID-19 khiến mọi người bi quan và không thể nào giống như trước đây khi luôn nghĩ rằng hãy tiêu hết số tiền kiếm được và kiếm lại nó vào tháng sau.

Không riêng Doris Fu hay Yang Jun phải tiết kiệm “từng đồng từng cắc”, cuộc thăm dò ý kiến ​​do nền tảng tin tức công nghệ trực tuyến Youth36Kr thực hiện cho thấy, 40% trong số 2.200 người tham gia khảo sát trên khắp Trung Quốc cố gắng tiết kiệm hàng tháng. Trong nhóm những người tham gia khảo sát, 29,5% cho biết họ gửi tiết kiệm từ 30-50% thu nhập hàng tháng, 27,1% chỉ để dành khoảng 10-30%, trong khi 27,4% giữ lại hơn 50%. Gần 87% số người được hỏi thuộc thế hệ thế hệ Millennials (những người từ 26-41 tuổi) và Gen Z (nhóm người được sinh ra trong khoảng thời gian từ năm 1997-2012), vốn được cho chiếm phần lớn trong nhóm người tiêu dùng của Trung Quốc, chọn mua sắm ít hơn để tiết kiệm. Hơn 10% số người tham gia khảo sát nói rằng khoản tiết kiệm hiện tại sẽ giúp họ tồn tại trong một tháng nếu đột nhiên thất nghiệp, trong khi 22,4% có thể sống dưới 6 tháng và 18,1% là từ 6-12 tháng.

Tuy nhiên, lối sống tiết kiệm nói trên cùng với việc những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội “đua nhau” nói về lối sống chi phí thấp đã trở thành mối đe dọa đối với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới khi mà chi tiêu của người tiêu dùng chiếm hơn một nửa GDP của Trung Quốc.

Theo Reuters, chính chiến lược “Zero COVID”, trong đó áp đặt các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, hạn chế đi lại và test nhanh COVID-19, đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nước này. Mặt khác, cuộc trấn áp của chính phủ đối với các công ty công nghệ lớn cũng có tác động đến lực lượng lao động trẻ. Theo số liệu thống kê của chính phủ, tỷ lệ thất nghiệp ở những người từ 16-24 tuổi ở mức gần 19% hồi tháng 8, sau khi đạt mức kỷ lục lên tới 20% vào tháng 7. Một số người trẻ trong lĩnh vực bán lẻ và thương mại điện tử còn bị buộc phải cắt giảm lương. Ðáng chú ý, mức lương trung bình ở 38 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 1% trong 3 tháng đầu năm nay. Do đó, một số người trẻ thích sống tiết kiệm hơn là tiêu xài phung phí.

Theo khảo sát gần đây của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, gần 60% người dân có xu hướng tiết kiệm thay vì tiêu xài hoặc đầu tư. Tổng cộng, các hộ gia Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm đã gửi tiết kiệm thêm 10,8 ngàn tỉ NDT (khoảng 1,54 ngàn tỉ USD), tăng mạnh so với con số 6,4 ngàn tỉ NDT trong cùng kỳ năm ngoái.

Chia sẻ bài viết